Số hóa dữ liệu hộ tịch: Quyết tâm “về đích” đúng hẹn
Cập nhật: Thứ hai 12/09/2022 - 16:09
Cán bộ Công an xã Yên Ninh (Phú Lương) nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cán bộ Công an xã Yên Ninh (Phú Lương) nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trước ngày 30/10/2022, toàn tỉnh phải hoàn thành việc số hóa dữ liệu hộ tịch - đây là mục tiêu thể hiện quyết tâm rất lớn của Thái Nguyên trong việc cụ thể hóa Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 06). Kết quả số hóa dữ liệu hộ tịch là cơ sở quan trọng để các cấp, ngành đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, nhất là việc liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi…

Huy động tối đa nguồn lực

Bắt đầu từ ngày 23/7/2022, Công an tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực của tỉnh thực hiện Đề án 06 đã phối hợp với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) và các sở, ngành, địa phương triển khai thí điểm nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại 4 xã, phường, gồm: Gia Sàng, Quang Trung (TP. Thái Nguyên) và Thành Công, Phúc Thuận (TP. Phổ Yên). Theo đó, mỗi địa phương được lắp đặt 3 máy vi tính kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nhập dữ liệu hộ tịch có từ tháng 10-2019 trở về trước; mỗi máy tính bố trí 2 cán bộ nhập dữ liệu và đối soát thông tin. 

Trên cơ sở kết quả thí điểm, ngày 12-8, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của tỉnh đã họp rút kinh nghiệm và triển khai kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch trong toàn tỉnh. Ngay sau đó, cơ quan chuyên môn đã tiến hành lắp đặt 230 máy tính do Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) hỗ trợ tại 174 công an cấp xã; tiến hành tập huấn nhập dữ liệu cho cán bộ cơ sở thực hiện nhiệm vụ này.

Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và quyết tâm cao nhất, các địa phương đã huy động tối đa nguồn nhân lực để số hóa dữ liệu hộ tịch. Ở xã Yên Ninh (Phú Lương), ngay sau khi được hỗ trợ máy tính, Tổ nhập dữ liệu của xã đã bắt tay vào công việc. Thượng úy Nịnh Văn Hòa, cán bộ Công an xã cho biết: Tổ nhập dữ liệu gồm 15 thành viên là lực lượng Công an xã, cán bộ Tư pháp, Văn hóa - Xã hội và đoàn viên thanh niên, được chia thành 3 ca làm việc. Với đặc thù địa bàn miền núi, giao thông tới các xóm không thuận lợi nên các thành viên nữ hoặc nhà ở xa được ưu tiên làm ca ngày; các thành viên nam và chiến sĩ công an tăng cường làm việc ca tối để bảo đảm tiến độ.

Ở xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), với số dân trên 10 nghìn người thì “điểm đích” trước ngày 30-10 là nhiệm vụ không dễ. Chính vì vậy, Tổ nhập dữ liệu của xã cũng chia thành 3 ca làm việc liên tục. Anh Võ Trung Kiên, cán bộ Tư pháp xã cho biết: Trong quá trình thực hiện, một số dữ liệu trong sổ hộ tịch không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phổ biến là sai lệch tên bố, mẹ, ngày sinh, thành phần dân tộc… Với những trường hợp như vậy, chúng tôi tạm thời để lại xử lý sau.

Để bảo đảm tiến độ, Công an tỉnh giao chỉ tiêu mỗi công an cấp xã nhập 200 dữ liệu/máy tính/ngày. Tính đến ngày 23-8, toàn tỉnh đã số hóa dữ liệu hộ tịch được hơn 300 nghìn đăng ký khai sinh, 23.874 đăng ký khai tử, 34.506 đăng ký kết hôn và 28 trường hợp đăng ký nhận con nuôi.

Tháo gỡ những điểm nghẽn

Theo đánh giá của Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của tỉnh, về cơ bản việc số hóa dữ liệu hộ tịch bảo đảm đúng nội dung, tiến độ và chất lượng đối với từng đầu việc. Tuy vậy, một số đơn vị cấp xã còn chưa đạt yêu cầu về tiến độ, như: Tân Dương, Đồng Thịnh, Linh Thông, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa); Tân Thành, Úc  Kỳ (Phú Bình); Đồng Liên, Sơn Cẩm, Huống Thượng (TP. Thái Nguyên); Liên Minh (Võ Nhai); Văn Lăng (Đồng Hỷ)… 

Đại úy Hoàng Minh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Định Hóa) chia sẻ: Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ công việc ở một số đơn vị cấp xã trên địa bàn huyện là hệ thống máy tính chưa bảo đảm; việc cùng một lúc nhiều đơn vị nhập dữ liệu khiến đường truyền đôi khi bị nghẽn, bật ra liên tục.

Thực tế, vấn đề thiết bị máy tính chưa bảo đảm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch. Tính đến ngày 23-8 đã có 35/230 máy tính được hỗ trợ bị hư hỏng, buộc phải gửi đi đổi trả. Cùng với đó, phần mềm chưa thực hiện được chức năng đối sánh giữa dữ liệu nhập vào với dữ liệu trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên không thể phát hiện ngay thông tin nhập vào là đúng hay sai; một số dữ liệu hộ tịch không trùng khớp, chưa kết nối đồng bộ khiến quá trình thực hiện có nhiều bước phải làm thủ công, cần nhiều thao tác và tốn thời gian…

Để tháo gỡ những điểm nghẽn, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ cơ sở về mặt kỹ thuât; đồng thời đề nghị ngành chức năng hoàn thiện phần mềm số hóa dữ liệu hộ tịch nhằm khai thác tối đa các trường thông tin đã có trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp; các đơn vị cấp xã bố trí phân công công việc phù hợp để cán bộ tăng cường nhập dữ liệu... Với quyết tâm chung của cả hệ thống, mục tiêu “về đích” số hóa dữ liệu hộ tích trước ngày 30/10/2022 là hoàn toàn khả thi.

Nhị Hà