Bây giờ, khi không còn gánh nặng cơm áo gạo tiền, thi thoảng tôi lại đạp xe đi trên những con đường mà sáu mươi năm trước tôi đã gắn bó. Đi để nhớ về ký ức tuổi thơ, ký ức một thời đi học. Đi để ngẫm về những gắn bó trong một đời người, để nhìn ra một sự đổi thay.
Xã Linh Sơn quê tôi đã được nhập vào thành phố, điều ngày xưa không bao giờ tôi dám nghĩ đến. Các con đường bê tông sạch sẽ nối về muôn ngả. Những ngôi nhà mái ngói, mái tôn xanh đỏ muôn màu. Sắc màu và hương quê gieo vào lòng tôi một cảm giác no ấm, thanh bình.
Khi đạp xe trên đường Hoàng Văn Thụ, bao giờ tôi cũng rẽ về con đường ngày xưa sớm tối đi về. Ngày xưa, nó là con đường chính từ Bảo tàng vào Thịnh Đán. Giờ, nó thành con đường của một khu phố thôi. Cứ quay về con đường cũ ấy, lòng tôi lại xốn xang bao điều về sự đổi thay.
Nhưng, trong cái đổi thay ấy, bất giác gợn lên trong tôi vài băn khoăn trăn trở, mà trước nhất là chuyện quy hoạch. Đã có thời gian tỉnh quy hoạch mở rộng thành phố về hướng Tây. Gần đây, lại có đề án mở rộng về hướng Đông, đưa con sông Cầu vào lòng thành phố. Tôi trộm nghĩ quy hoạch là cực kỳ quan trọng. Nó phải được tham khảo ý kiến của các nhà khoa học để có đủ các yếu tố về địa lý, văn hóa, kinh tế, chính trị mang tính lâu dài. Nó phải được nhất quán của nhiều thế hệ lãnh đạo chứ không thể mang tính nhiệm kỳ.
Hiện nay, “bức tranh” thành phố còn dàn trải. Có người từ nơi khác đến, đi hết một vòng chưa biết trung tâm thành phố ở khu nào. Khu công viên công cộng chưa có. Hồ sinh thái Xương Rồng còn nhỏ hẹp…
Như vậy, có thể thấy một “bức tranh” thành phố chưa được ổn định về khổ hình, sự phân khu chưa có cơ sở rõ nét. Thành phố nên có một điểm nhấn tập trung. Nó sẽ tạo một bộ mặt riêng biệt mà khách nơi khác đến có thể cảm nhận ra ngay. Còn người dân sở tại được thụ hưởng những công năng mà các công trình đó đem lại.
Biết rằng, quy hoạch là một chuyện, kinh phí để thực hiện trong điều kiện “trăm việc phải lo” lại là chuyện khác, nhưng có một quy hoạch nhất quán thì sẽ dần thành hiện thực. Ông cha ta cũng đã có những công trình xây dựng kéo dài cả mấy chục năm, và giá trị của nó thì nghìn năm sau vẫn để lại sự ngưỡng mộ cho nhiều thế hệ.
Hiện nay, nhiều khu dân cư mới đang mọc lên trên địa bàn thành phố, nhiều tuyến đường đang được làm mới hoặc nâng cấp. Có một thực tế là hệ thống thoát nước hình như bị xem nhẹ, hoặc giám sát, nghiệm thu không nghiêm chỉnh. Đây là việc lâu dài trong phạm vi thành phố, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân…
Lại nữa, theo quy hoạch hiện nay, ta chưa hy sinh mỗi khu dân cư vài trăm mét vuông đất để làm nơi chứa và thu rác thải, xây dựng hệ thống rửa nền bảo đảm vệ sinh. Chỗ gom rác hiện tại thường ở các ngã ba, hoặc nơi có đất rộng rãi. Xe rác đầy để một dãy, trông vừa mất mỹ quan đô thị, vừa mất vệ sinh. Nếu có được nơi chứa và thu gom rác thải thì chắc chắn góp phần tạo nên một thành phố xanh, sạch, đẹp. Và sạch đẹp bao giờ cũng là tiêu chuẩn hàng đầu của một đô thị văn minh.
Nếu tính tuổi thành phố đã sáu mươi năm, nhưng thực sự được yên bình bước vào xây dựng và phát triển mới chỉ vài chục năm gần đây. Tôi đã thấy bước tiến vượt bậc trong thời gian không dài ấy. Và tôi ước mong, với quy hoạch và tầm nhìn đến 2035, một diện mạo mới của thành phố Thái Nguyên sẽ hiện lên rõ nét. Con sông Cầu hiền hòa yêu thương sẽ in bóng thêm các cây cầu và toà nhà hiện đại; sẽ có những công viên, những khu vui chơi, nghỉ dưỡng mà ta vẫn gọi là tiêu chuẩn một thành phố đáng sống. Ta đã yêu thành phố, ta có quyền khát vọng!.