Năm 2022, ĐHTN đã mở mới 5 ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và đưa vào tuyển sinh. Trong đó, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp có 3 ngành mới là: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kiến trúc; Trường Đại học Khoa học tuyển sinh ngành Quản lý Thể dục thể thao; Trường Đại học Nông Lâm là ngành Dược liệu và hợp chất thiên nhiên.
Như vậy, cộng thêm 5 mã ngành mới mở, năm học này, ĐHTN tuyển sinh 147 ngành đào tạo trình độ đại học với tổng số 14.145 chỉ tiêu (tăng 1.174 chỉ tiêu so với năm 2021) và 21 ngành đào tạo trình độ cao đẳng với 1.000 chỉ tiêu (giữ nguyên so với năm 2021).
Về phương thức tuyển sinh, ngoài xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định về tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xét tuyển theo điểm học tập và rèn luyện THPT (học bạ); xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 kết hợp thi tuyển năng khiếu ở các ngành Kiến trúc, Giáo dục Mầm non, điểm mới trong năm nay là ĐHTN bổ sung thêm phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Điểm xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực dao động từ 55,00-100,00 điểm theo thang điểm 150. Đồng thời một số đơn vị đào tạo bổ sung thêm các điều kiện ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh hoặc chứng chỉ Tin học.
Theo đó, điểm trúng tuyển năm 2022 của các trường thành viên ĐHTN về cơ bản cao hơn so với năm 2021. Năm 2021, mức điểm các ngành dao động từ 14,50 đến 26,25 (cao nhất là ngành Răng - Hàm - Mặt của Trường Đại học Y - Dược với 26,25 điểm).
Năm nay, điểm trúng tuyển đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và nhóm ngành sức khỏe ở mức khá cao, cao nhất là 27,50 điểm đối với ngành Sư phạm Lịch sử, tiếp đến là 26,75 điểm đối với ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm và ngành Răng - Hàm - Mặt của Trường Đại học Y - Dược là 26,75 điểm.
Với Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên, năm 2022, Nhà trường được giao 1.800 chỉ tiêu tuyển sinh, tăng 336 chỉ tiêu so với năm 2021. Năm nay, lần đầu tiên Trường bổ sung phương thức tuyển sinh theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Điểm trúng tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực ở mức cao = 100,00 điểm (thang điểm 150 điểm).
Theo TS. Nguyễn Quang Đông, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ học sinh, sinh viên, Trường Đại học Y - Dược: Năm 2021, Trường tuyển sinh đạt 100% chỉ tiêu, một số ngành vượt dưới 10% chỉ tiêu nhưng trong ngưỡng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2022, điểm chuẩn các ngành Răng - Hàm - Mặt, Kỹ thuật xét nghiệm y học tăng so với năm ngoái, dao động từ 19,00-26,75 điểm. Thấp nhất là 2 ngành Hộ sinh và Điều dưỡng có điểm trúng tuyển là 19,00 điểm đối với xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đối với Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, năm nay, Nhà trường được giao 2.200 chỉ tiêu tuyển sinh đại học. TS. Đặng Danh Hoằng, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông của Nhà trường phân tích: Điểm trúng tuyển các ngành giữ ổn định so với năm 2021, từ 15,00-22,00 điểm. Cao nhất là ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô, điểm trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 20,00 điểm, theo học bạ THPT là 22,00 điểm.
Tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 là 1.800. Điểm trúng tuyển đại học cao hơn năm 2021, các ngành từ 16,00-21,00 điểm. Điểm trúng tuyển cao nhất thuộc các ngành đào tạo chất lượng cao 18,00-21,00 điểm. Điểm trúng tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội: 80,00 điểm.
Trường Đại học Nông Lâm được giao 1.300 chỉ tiêu, điểm trúng tuyển các ngành giữ ổn định so với năm 2021, dao động từ 15,00-20,00 điểm. Các ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, Nông nghiệp công nghệ cao, Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng có mức điểm trúng tuyển cao nhất với 20,00 điểm; điểm trúng tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là 55,00 điểm.
Riêng với Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên được giao 1.240 chỉ tiêu tuyển sinh, điểm trúng tuyển cao hơn nhiều so với năm 2021. Trung bình trên 20,00 điểm, thấp nhất là ngành Tâm lý học giáo dục với 16,50 điểm, cao nhất là Sư phạm Lịch sử 27,50 điểm. Điểm trúng tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội ở mức khá: 75,00-85,00 điểm (thang điểm 150 điểm).
Tương tự Trường Ngoại ngữ được giao 750 chỉ tiêu, điểm trúng tuyển cao hơn nhiều so với năm 2021. Cao nhất là ngành Sư phạm tiếng Trung Quốc 24,40 điểm đối với điểm thi tốt nghiệp THPT và 26,80 điểm đối với xét theo kết quả học tập THPT (học bạ).
Các trường còn lại về cơ bản điểm trúng tuyển các ngành giữ ổn định so với năm 2021. Trường Đại học Khoa học được giao 1.605 chỉ tiêu, điểm trúng tuyển từ 15,00-23,50 điểm; điểm trúng tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội 60,00 điểm (thang điểm 150 điểm).
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông được giao 2.460 chỉ tiêu, điểm trúng tuyển các ngành từ 16,00-20,00 điểm.
Khoa Quốc tế được giao 230 chỉ tiêu, điểm trúng tuyển các ngành từ 15,00-18,00 điểm.
Phân hiệu ĐHTN tại Lào Cai được giao 870 chỉ tiêu, điểm trúng tuyển các ngành từ 14,50-22,20 điểm, cao nhất là ngành Giáo dục Tiểu học với 22,20 điểm.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước 17 giờ ngày 17-9, tất cả các trường đại học phải hoàn tất việc công bố kết quả xét tuyển đại học năm 2022. Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước 17h00 giờ ngày 30/9/2022. Thí sinh trúng tuyển liên hệ với bộ phận tuyển sinh các đơn vị nếu cần hướng dẫn xác nhận nhập học trực tuyển. Nếu thí sinh không xác nhận nhập học theo thời gian quy định thì được coi từ chối nhập học.
Năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy của 139 ngành đào tạo trình độ đại học thuộc ĐHTN là 12.971 chỉ tiêu; 27 ngành đào tạo trình độ cao đẳng là 1.000 chỉ tiêu và 25 ngành đào tạo trình độ trung cấp là 360 chỉ tiêu. Kết quả tuyển sinh năm 2021 các hệ đào tạo của toàn ĐHTN như sau: Đại học chính quy 11.387 chỉ tiêu (đạt 87,8%); cao đẳng 1.008 chỉ tiêu (đạt 100,8%); trung cấp 409 chỉ tiêu (đạt 113,6%). |