Trong nhiều năm qua, để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; rà soát, sắp xếp lại cán bộ, giáo viên; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, Ngành định kỳ tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi. Các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức dự giờ, thi viết sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên giỏi cấp trường...
Tuy nhiên, đối chiếu với Luật Giáo dục năm 2019, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, toàn tỉnh Thái Nguyên vẫn còn trên 2.000 giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo theo quy định, trong đó nhiều nhất là cấp tiểu học với 1.352 người, mầm non 781 người, THCS là 281 ngươig. Cụ thể, Luật quy định trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên (trước đây là trung cấp); có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo trở lên đối với giáo viên tiểu học (trước đây là trung cấp, cao đẳng), THCS (trước đây là cao đẳng) và THPT.
Từ thực tế đó, xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn về chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả giáo dục, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Ban Giám hiệu và giáo viên cốt cán Trường THCS Tân Lập (TP. Thái Nguyên) trao đổi chuyên môn sau khi tập huấn về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, triển khai đối với lớp 7 từ năm học 2022-2023.
Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 153/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 thông qua Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án đến năm 2025 là phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học từ mầm non đến phổ thông (còn trong độ tuổi theo quy định) đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
Về thực hiện mục tiêu này, bà Nguyễn Thị Lượng, Trưởng phòng Giáo dục TP. Phổ Yên, cho biết: Theo Luật Giáo dục, năm 2019, toàn thành phố còn trên 100 giáo viên chưa đạt chuẩn. Do đó, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND TP. Phổ Yên xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên. Đến thời điểm hiện tại, số giáo viên chưa đạt chuẩn đã được cử đi học. Với chính sách này, đến hết năm 2023 và đầu năm 2024, 100% giáo viên của Phổ Yên sẽ đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
Ngoài TP. Phổ Yên, các địa phương khác trong tỉnh cũng đã tổ chức rà soát đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn để đăng ký đi đào tạo nâng chuẩn.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng (Đồng Hỷ), thông tin: Toàn trường có 29 cán bộ, giáo viên và có 2 đồng chí chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Trong đó, một đồng chí sinh năm 1971, trình độ cao đẳng, có nguyện vọng xin nghỉ trước để chờ đủ tuổi hưởng chế độ hưu, còn một đồng chí sinh năm 1977 đã được cử đi học đại học. Như vậy, trước năm 2025, 100% giáo viên của Nhà trường sẽ đạt chuẩn theo mục tiêu mà Phòng Giáo dục huyện Đồng Hỷ đề ra.
Cũng theo thống kê của Sở GD&ĐT, Thái Nguyên hiện có 1.498 giáo viên chưa đạt chuẩn đã đi đào tạo nâng cao trình độ, số chưa tham gia đào tạo là 747 người. Sở GD&ĐT đã yêu cầu các phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND cấp huyện điều chỉnh kế hoạch cử giáo viên chưa đạt chuẩn đi đào tạo vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Qua đó, đảm bảo đến năm 2025, 100% giáo viên trong toàn tỉnh đạt chuẩn theo quy định.
Ngoài khó khăn về đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn, hiện nay, tại Thái Nguyên vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo. Đơn cử như tình trạng thiếu giáo viên chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Một bộ phận giáo viên vẫn làm việc dựa trên kinh nghiệm, chưa thật sự đổi mới phương pháp, đánh giá, chưa gắn kết hoạt động giảng dạy với thực tiễn đời sống...
Những hạn chế, bất cập trên đòi hỏi ngành Giáo dục phải nỗ lực hơn nữa trong thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, chuẩn hóa đội ngũ là khâu then chốt. Hơn ai hết, mỗi cán bộ, giáo viên cần nỗ lực rèn luyện, phấn đấu tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy với nghề, trau dồi phẩm chất, đạo đức, lối sống mẫu mực, xứng đáng với niềm tin yêu của phụ huynh và học sinh.
Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 dự kiến tổng kinh phí là khoảng 80 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ học phí cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đi học để đạt chuẩn là trên 48 tỷ đồng và hỗ trợ công tác bồi dưỡng Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bồi dưỡng thường xuyên là hơn 31 tỷ đồng. |