Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin, đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.
Bệnh này đang có xu hướng gia tăng do thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh. Đáng nói, do thiếu hiểu biết, nhiều người không biết mình đã mắc bệnh tiểu đường. Ông Nguyễn Chu Hải, 75 tuổi, ở xóm Cao Sơn 4, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên), là một trường hợp như thế. Ông cho biết: Tôi được phát hiện mắc cao huyết áp đã khá lâu nhưng không nghĩ đến việc mình mắc bệnh đái tháo đường. Khi thấy cơ thể mệt mỏi, sút cân nhanh, thèm ngọt… tôi đi khám thì mới biết mình đã mắc bệnh đái tháo đường.
Theo bác sĩ CKII Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên: Có các loại tiểu đường thường gặp là tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2, tiểu đường thai kỳ và tiểu đường khác (tuy nhiên, bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 là phổ biến nhất). Khi mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân không thể tự chuyển hóa các chất bột đường từ các thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo ra năng lượng, lâu dần gây nên hiện tượng tăng lượng đường tích tụ trong máu. Lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan, bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Có rất nhiều phương pháp điều trị tiểu đường. Theo đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống, rèn luyện thể thao đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, hầu hết bệnh nhân tiểu đường trên địa bàn tỉnh đều được theo dõi, quản lý ngoại trú tại các cơ sở y tế (theo diện bảo hiểm y tế).
Hằng tháng, bệnh nhân đến cơ sở y tế (chủ yếu tuyến tỉnh, huyện) lấy mẫu máu làm xét nghiệm và được cán bộ y tế cấp phát thuốc (1 tháng/lần). Ở thể tiểu đường tuýp 1, bệnh nhân được chỉ định dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại vì cơ thể đã không còn khả năng tự sản xuất insulin. Ở thể tiểu đường tuýp 2, nếu bệnh nhân không cải thiện được tình trạng tăng lượng đường trong máu bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hàng ngày, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc điều trị tiểu đường dạng uống hoặc tiêm để ổn định lượng đường trong máu...
Một trong những khó khăn hiện nay trong việc theo dõi, quản lý điều trị bệnh nhân tiểu đường trên địa bàn tỉnh là dù đã được lập sổ quản lý ngoại trú nhưng do người bệnh tuổi cao lại mắc nhiều bệnh, ở một mình, điều kiện chăm sóc không tốt và sa sút trí tuệ nên việc kiểm soát bệnh rất khó khăn.
Bác sĩ Trương Mạnh Hà cho biết thêm: Để bệnh không tiến triển nặng, bệnh nhân tiểu đường cần có kế hoạch theo dõi lượng carbohydrate, cũng như hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ; nên ăn nhiều rau xanh, các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Bệnh tiểu đường có thể thay đổi và tiến triển khác nhau ở từng thời gian, do đó bệnh cần được thăm khám, đánh giá chính xác tình trạng hiện tại để có kế hoạch điều trị thích hợp và hiệu quả. Bởi vậy, bệnh nhân cần thăm khám định kỳ và tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ quản lý ngoại trú về thuốc, chế độ ăn, chế độ luyện tập.
Những trường hợp được chẩn đoán chưa mắc bệnh đái tháo đường (nhất là người trên 40 tuổi, những người tiền sử đái tháo đường thai kỳ, trong gia đình có người thân mắc bệnh) nên tầm soát định kỳ… Cùng với đó là duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, ít dầu mỡ, thịt đỏ và có chế độ ăn ít tinh bột, các loại thực phẩm chứa nhiều đường…