Hàng ngày, tôi lang thang ra vườn xem bố trồng vài cây mít, cây xoan, bạch đàn; mẹ thì gieo mấy hạt chè, trồng luống rau, thỉnh thoảng lại xòe tay đo xem cao được nhiều chưa.
Ngày ấy, tôi thường thắc mắc tại sao cái nơi tôi ở không phải là cái tên rất hay, lại có ý nghĩa lịch sử như Trưng Vương, Lương Ngọc Quyến, Phan Đình Phùng… mà là Vó Ngựa? Rất nhiều lần tôi hỏi người lớn mà không có câu trả lời thỏa đáng. Vì vậy, tôi tự hình dung ra một câu chuyện rồi “ngang nhiên” kể cho các bạn nghe.
Theo trí tưởng tượng, tôi đã kể đại loại rằng: Bố tớ bảo ngày xưa bọn giặc sang xâm lược nước ta đến khu đất này bị quân ta đánh tơi bời. Tướng giặc bị ngã, ngựa chổng bốn vó lên trời. Từ đó mọi người gọi là Vó Ngựa.
Cả lũ bạn xuýt xoa: Thảo nào mà cầu, chợ, bách hoa, kho gạo đều mang tên là Vó Ngựa. Đoạn đường chúng mình đi học cũng có tên là đường Vó Ngựa. Chắc ngựa của tên tướng giặc bị ngã chổng bốn vó ở đoạn đường này.
Cả nhóm gật gù, còn tôi tủm tỉm cười, đưa mắt nhìn xung quanh xem có thấy mỏm đồi nào có hình ngựa ngã chổng vó lên trời không. Nhưng bao lần nhìn trước nhìn sau mà vẫn không phát hiện được gì ngoài cái cầu bé tẹo bằng sắt, hai bên đường là những quả đồi trọc, hàng quán thưa thớt…
Đường Vó Ngựa không dài, nhưng từ trung tâm thành phố Thái Nguyên hay khu Nam, khu Tây muốn xuống huyện Phú Bình, vào Bệnh viện Gang Thép (cũ)… đều phải đi qua nó.
Nếu ai sống thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, đi qua đường Vó Ngựa chắc sẽ chưa quên. Đó là một con đường đất chật hẹp, mấp mô, dốc nọ nối dốc kia. Khi mưa thì lầy lội, khi nắng thì bụi bặm, mỗi lần ô tô đi qua mù mịt cả một đoạn đường dài. Đi bộ đã khổ, những ai đèo hàng nặng đúng là cực hình. Những hôm sau trời mưa, trẻ con chúng tôi thường ngồi lên đỉnh đồi nhìn xuống đường đếm xem buổi sáng có bao nhiêu người bị ngã. Có một lần cả chiếc cáng bệnh nhân bị văng xuống đường.
Tôi cũng có một kỷ niệm bi hài và khó quên về con đường Vó Ngựa khủng khiếp ấy. Đó là lần đầu tiên tôi nhận lời đi xem phim cùng một anh bạn. Sau khi chuẩn bị xong xuôi, tôi đi vào, đi ra chờ đợi hơn một giờ đồng hồ mà không thấy anh bạn ấy đến. Tôi bực bội thầm thề sẽ không bao giờ nhìn mặt anh vì sai hẹn. Bất chợt anh xuất hiện trong bộ dạng quần áo đầy bùn đất, mặt mũi lấm lem như… từ dưới cống chui lên. Thì ra anh ấy đã “vồ ếch” trên đường đến đón tôi, không phải một lần mà những mấy lần.
Ngày ấy, “dân Vó Ngựa” thường nói với nhau, chàng trai nào sau một đêm mưa gió, chỉ cần vượt qua đường Vó Ngựa an toàn, nguyên vẹn đến được nhà bạn gái thì coi như đã là một chiến công. Đúng là ngày ấy đã từng có mối tình phải chia tay vì những rắc rối từ đường Vó Ngựa.
Bởi thế, tôi và người dân quê tôi luôn ước ao có một con đường rải nhựa để người ốm đi viện cho nhanh, những người chở nặng khỏi đổ hàng, những đôi trai gái khỏi hứng những “bi kịch tình yêu” do con đường gây ra…
Rồi một ngày, ước mơ đó đã thành sự thật. Đường Vó Ngựa được mở rộng, cầu Vó Ngựa xây bằng bê tông, người dân quê tôi sớm tối đi về trong niềm vui vô bờ bến. Bây giờ, nhiều khách vãng lai có dịp đi qua đường Vó Ngựa chắc không thể hình dung được những câu chuyện đã xảy ra hơn ba mươi năm trước trên con đường này.
Thành phố của tôi đang phát triển, cuộc sống đầy đủ hơn, giao thông thuận tiện hơn. Chợ Vó Ngựa đã xây dựng khang trang, ăm ắp hàng hoá. Bệnh viện Gang Thép đã chuyển ra đường lớn cho thuận tiện. Cửa hàng thực phẩm Vó Ngựa đã nhường chỗ cho trụ sở UBND phường Tân Thành. Bách hoá Vó Ngựa cũ đã thành những ngôi nhà, những biệt thự đẹp đẽ. Các đường trong tổ, trong xóm đã có số, có tên.
Thì ra mảnh đất quê tôi tuy là điểm cuối, nhưng là điểm dẻo dai nhất của “chú ngựa” đã và đang tung vó bay xa trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa…