Chị Nguyễn Thị Lượng, ở xóm Diệm Dương, xã Nga My, chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo của xóm. Nhà chỉ có 2 mẹ con, bản thân tôi không có việc làm ổn định nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Mấy năm trước, con trai tôi thi đỗ Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên. Đang khó khăn thì thật may mắn tôi được biết và tiếp cận với nguồn vốn từ Chương trình cho vay HSSV. Tôi vay số tiền 112,5 triệu đồng để trang trải tiền học cho cháu.
Không riêng gia đình chị Lượng mà hàng trăm gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Bình có con trúng tuyển và đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng… được vay vốn từ Chương trình cho vay HSSV.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng NHCSXH huyện Phú Bình, cho biết: Được triển khai từ năm 2007, cho vay HSSV là một chương trình mang tính nhân văn, làm giảm gánh nặng học phí của HSSV nghèo, góp phần tạo điều kiện để các em có thể theo đuổi ước mơ học tập.
Ngày 23/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với HSSV. Quyết định số 05 tăng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay HSSV lên 4 triệu đồng/tháng để đáp ứng nhu cầu chi phí tối thiểu cho việc học của HSSV. Bên cạnh đó, Quyết định này còn sửa đổi, mở rộng đối tượng cho vay HSSV, không chỉ ở các hộ nghèo, cận nghèo mà còn thêm hộ có mức sống trung bình (thu nhập từ 1,7-2,2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn).
Để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, ngay từ đầu mỗi năm học, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Bình đều phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền, phổ biến Chương trình cho vay HSSV tới người dân; tổ chức rà soát hộ nghèo, cận nghèo có con vừa đỗ hoặc đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng… để giúp các hộ tiếp cận nguồn vốn vay.
Nhờ đó, từ năm 2008 đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Bình đã giải quyết cho 28.428 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn để trang trải chi phí học hành cho con, với số tiền giải ngân gần 140 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, khoảng 5 năm trở lại đây, số hộ vay nguồn vốn này liên tục giảm. Nếu như năm 2017, số hộ vay là hơn 1.000 hộ, với số tiền vay 26,7 tỷ đồng thì đến năm 2021, số hộ vay chỉ còn 257 hộ, với số tiền vay 7,8 tỷ đồng.
Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nhiều gia đình có điều kiện để lo cho con ăn học, không còn phụ thuộc nhiều vào vốn này. Cùng với đó là sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, nhiều HS sau khi học xong THPT lựa chọn đi làm luôn chứ không theo học đại học, cao đẳng…
Thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Bình tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền chương trình cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn; rà soát, lập danh sách các đối tượng vay, đồng thời chủ động tham mưu với cấp trên đảm bảo nguồn vốn vay để thực hiện giải ngân thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức hội, đoàn thể… nhằm giúp HSSV thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được tới trường.