Cập nhật: Thứ sáu 23/09/2022 - 09:46
 Tư vấn, xét nghiệm tầm soát HIV cho can, phạm nhân tại trại tạm giam công an tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TTKSBT
Tư vấn, xét nghiệm tầm soát HIV cho can, phạm nhân tại trại tạm giam công an tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TTKSBT

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 hiện nay, nhiều tỉnh/thành đang đẩy mạnh việc khám sàng lọc bệnh lao, HIV nhằm bảo đảm tốt chế độ chăm sóc y tế, công tác phòng, chống dịch bệnh cho các can phạm, phạm nhân.

Điển hình tại Kiên Giang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa phối hợp với Trại tạm giam Công an tỉnh Kiên Giang và Bệnh viện lao phổi tỉnh thực hiện khám sàng lọc bệnh lao và HIV cho người đang bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân trên địa bàn.

Các y bác sĩ, nhân viên y tế đã tiến hành khám sàng lọc, tư vấn, chụp X-Quang lồng ngực bằng xe X-Quang kỹ thuật số lưu động, tiêm Mantox, lấy mẫu đờm (để phát hiện bệnh lao) và lấy mẫu máu xét nghiệm HIV cho hơn 500 can phạm, phạm nhân đang bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân đang chấp hành án tại đây.

Qua đó, sớm xác định phạm nhân mắc bệnh lao và HIV để đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, bảo đảm an toàn sức khỏe cho can, phạm nhân trong quá trình bị tạm giam và thụ án, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia "Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030".

Việc khám sàng lọc lao và HIV nhằm phát hiện kịp thời để chữa trị không để xảy ra dịch bệnh trong khu giam giữ. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống Lao và HIV/AIDS cho cán bộ chiến sĩ Trại tạm giam làm công tác quản lý giam giữ, giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm Lao và HIV/AIDS cho cán bộ chiến sĩ trong quá trình công tác, khi tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân.

Tại Đồng Tháp, thực hiện chế độ chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân về chăm sóc sức khỏe, trong quí II, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cũng đã phối hợp với Trại tạm giam và Bệnh viện Da liễu tỉnh tổ chức khám, xét nghiệm tầm soát bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam cho 349 người.

Ngoài ra, các can phạm nhân cũng được khám, xét nghiệm, sàng lọc phát hiện sớm các bệnh da liễu và các bệnh truyền nhiễm khác. Qua tầm soát, Trại tạm giam phối hợp với các cơ sở y tế chuyên môn để điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe cho can phạm nhân, góp phần phục vụ tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án phạt tù.

Tại Bạc Liêu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức tư vấn, xét nghiệm tầm soát HIV cho can, phạm nhân tại Trại tạm giam công an tỉnh Bạc Liêu đợt II/2022; giám sát phát hiện trường hợp nhiễm HIV/AIDS để có kế hoạch can thiệp kịp thời, hạn chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng và giảm ảnh hưởng kinh tế - xã hội do hậu quả nhiễm HIV/AIDS gây ra, đồng thời xác định tỷ lệ nhiễm HIV và phân bố nhiễm HIV/AIDS ở các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

Trong đợt này có 80 phạm nhân tại Trại tạm giam được tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện miễn phí và được hướng dẫn cách phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho mình và người thân.

Hiện nay, lao vẫn là bệnh có số người mắc và tử vong cao. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 1/3 dân số toàn cầu đã bị nhiễm lao, hàng năm có thêm 8-9 triệu bệnh nhân lao mới và khoảng 1 triệu người chết do lao.

 Tại Việt Nam, chiến lược của Chương trình chống lao Quốc gia là phát hiện được 70% bệnh nhân lao phổi có trong cộng đồng, chữa khỏi ít nhất 85% số phát hiện, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Những năm qua, chương trình chống lao tại các tỉnh, thành cũng đã được triển khai tích cực và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác phát hiện, điều trị và quản lý bệnh nhân lao còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa và các nhóm đặc biệt như phạm nhân trong các trại giam, nhà tạm giữ.  

Chính vì vậy, khám sàng lọc lao cho phạm nhân tại trại giam là một trong những hoạt động thuộc Chương trình chống lao Quốc gia. Với mục tiêu phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị khỏi cho phạm nhân mắc lao đang được quản lý trong trại giam, qua khám sàng lọc nếu các trường hợp phạm nhân có tổn thương bất thường trên phim X-Quang phổi, sẽ tiếp tục được cho xét nghiệm trực tiếp để chẩn đoán bệnh lao và lao kháng đa thuốc bằng chiến lược 2X (X-Quang lồng ngực (phổi) và lấy mẫu xét nghiệm Gene Expert (phương pháp phát hiện vi khuẩn lao). Qua đó bảo đảm an toàn sức khỏe cho phạm nhân trong quá trình thụ án ở đây. Góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia: Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.


Theo Tiengchuong.vn