Quan tâm toàn diện tới hoạt động TDTT
Sau hơn 2 nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết số 08, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của công tác phát triển TDTT được nâng lên.
Nội dung phát triển TDTT đã được đưa vào các chương trình nghị sự của Đảng bộ các cấp và cụ thể hóa trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các đơn vị, địa phương. Nhiệm vụ rèn luyện TDTT được triển khai trong các trường học thông qua môn học giáo dục thể chất giúp học sinh, sinh viên phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản.
Phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập. Cùng với đó, công tác xây dựng, đào tạo tài năng thể thao; bồi dưỡng cán bộ phụ trách công tác TDTT của tỉnh có nhiều đổi mới và coi đây là hạt nhân đưa phong trào TDTT của địa phương phát triển.
Đặc biệt, Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và đã trở thành hoạt động rộng khắp và sôi nổi.
Cùng với đó là công tác xây dựng, đào tạo tài năng thể thao; bồi dưỡng cán bộ phụ trách công tác TDTT của tỉnh có nhiều đổi mới và coi đây là hạt nhân đưa phong trào TDTT của địa phương phát triển.
TDTT quần chúng "bung nở"
Tính đến năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đã có 30,2% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên. Trong đó, 14,2% đồng bào dân tộc và miền núi tham gia và 23,1% số gia đình luyện tập TDTT; 100% xã, phường, thị trấn, đơn vị có câu lạc bộ hoặc điểm tập luyện TDTT; 100% giáo viên TDTT đạt chuẩn và trên chuẩn; 100% trường học ở các cấp đảm bảo công tác giáo dục thể chất có chất lượng.
Theo thống kê của 9 huyện, thành phố và các đơn vị, trường học, doanh nghiệp, Thái Nguyên có gần 1.900 câu lạc bộ TDTT cơ sở (tăng gần 500 câu lạc bộ so với năm 2010); trên 1.300 hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT hoạt động thường xuyên ở cấp huyện, các xã miền núi, vùng cao. Nhiều môn thể thao được nhân dân trong tỉnh ưa thích và phát triển, như: Cầu lông, bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh, đi bộ, bóng đá, bóng chuyền, dân vũ…
Đua thuyền là một trong những môn thể thao có thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên.
Chủ trương xã hội hoá hoạt động TDTT cũng được triển khai rộng rãi đến cơ sở nên người dân ủng hộ, tích cực đóng góp công, của để làm các hạng mục công trình. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay, có trên 90% tổ dân phố, xóm đã xây dựng được các thiết chế văn hóa, thể thao và trở thành nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ TDTT cơ sở đáp ứng nhu cầu luyện tập TDTT của người dân. Một số địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động TDTT như: TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình, huyện Đại Từ...
Hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang nổi trội hơn khi được duy trì thường xuyên, các đơn vị Công an, Quân đội đã đẩy mạnh phong trào rèn luyện TDTT trong cán bộ, chiến sĩ; 100% cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tập luyện thể thao, rèn luyện thân thể; duy trì tốt các phong trào, các giải thể thao truyền thống; tham gia và có đóng góp tích cực vào các hoạt động TDTT lớn của tỉnh.
Hoạt động TDTT trong đối tượng người cao tuổi, hội viên phụ nữ, thanh niên, đoàn viên công đoàn trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm, phát triển sâu rộng cả về số lượng hội viên tham gia sinh hoạt và chất lượng trong thi đấu. Các câu lạc bộ cờ tướng, bóng bàn, cầu lông, thể dục dưỡng sinh, nhảy dân vũ, yoga... phát triển mạnh
Khẳng định vị thế của thể thao thành tích cao
Công tác xây dựng, phát triển các môn thể thao trọng điểm, môn thể thao mới, đào tạo lực lượng vận động viên tài năng trẻ bổ sung cho các đội tuyển của tỉnh, của quốc gia luôn được tỉnh Thái Nguyên chú trọng. Một số môn thể thao trọng điểm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đã được ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh đầu tư phát triển, như: wushu taolu, wushu tán thủ, cờ vua, đua thuyền, vật nam, vật nữ, taekwondo.
Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch nhằm đáp ứng cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo; bố trí đủ số lượng huấn luyện viên, vận động viên cho các môn thể thao có thế mạnh của tỉnh; chỉ đạo Trung tâm TDTT, Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT, Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu thể thao triển khai các nội dung đào tạo, huấn luyện vận động viên, học sinh năng khiếu, giáo dục chính trị tư tưởng cho huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài thể thao, đồng thời thực hiện các biện pháp đấu tranh khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong thể thao.
Hiện nay, hệ thống đào tạo vận động viên của Thái Nguyên được chia thành 3 tuyến: Nghiệp dư, năng khiếu và thể thao thành tích cao. Dành nhiều sự quan tâm cho hoạt động TDTT thành tích cao nên trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã đăng cai tổ chức tổ chức 44 giải thể thao toàn quốc với 9.219 vận động viên tham gia; tổ chức 188 giải thể thao cấp tỉnh với 54.296 vận động viên tham gia; thi đấu các giải thể thao toàn quốc, quốc tế đạt 3.626 huy chương các loại… Đặc biệt, tại SEAGames 31, tỉnh Thái Nguyên vinh dự có 8 vận động viên được tham gia thi đấu và giành 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc góp phần vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá, hoạt động TDTT của tỉnh vẫn còn một số vấn đề, nội dung cần đầu tư hoàn thiện, như: Cơ sở vật chất luyện tập TDTT ở một số nơi còn thiếu hệ thống sân bãi; nhà tập luyện đáp ứng yêu cầu phát triển các bộ môn thể thao thành tích cao còn thiếu, chưa đồng bộ; trang thiết bị tập luyện lạc hậu, xuống cấp.
Tiếp đó là phong trào TDTT quần chúng của tỉnh phát triển chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại các đô thị trung tâm, thành phố nên tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên tại khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Những vấn đề này nên được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục quan tâm trong thời gian tới để TDTT ở các ngành, địa phương, đơn vị đều phát triển toàn diện.