Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng liên quan đến lao động, việc làm cho phù hợp với thực tiễn.
Đáng chú ý là đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tất cả người lao động có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc xác định hoặc không xác định thời hạn hoặc hợp đồng có thời hạn từ 1 tháng trở lên đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Còn hiện nay, người có hợp đồng có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên mới đủ điều kiện tham gia chính sách này.
Ngoài việc mở rộng đối tượng tham gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp; bổ sung đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là người bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc.
Nội dung chi của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quy định về nguyên tắc đầu tư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng được đề xuất sửa đổi, bổ sung…
Trên thực tế, việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động có điểm tựa an sinh khi không may rơi vào cảnh thất nghiệp, mất việc làm hoặc gặp khó khăn về việc làm. Riêng năm 2021, cả nước có gần 1,8 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2015 (bình quân tăng 94%/năm), trong đó, tỷ lệ giới thiệu việc làm thành công đạt khoảng 35%.
Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 801.925 người, tăng 1,5 lần so với năm 2015 (bình quân tăng 42%/năm); 100% người hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế theo đúng quy định. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị ảnh hưởng về việc làm do dịch COVID-19, từ cuối năm 2021 đến nay, Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố đã chi hỗ trợ cho hơn 13 triệu người lao động vơi số tiền gần 32.000 tỷ đồng.