Cập nhật: Thứ hai 26/09/2022 - 07:16
Toàn cảnh trung tâm phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) hiện nay.
Toàn cảnh trung tâm phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) hiện nay.

Trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, TP. Thái Nguyên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, của tỉnh và luôn nỗ lực không ngừng để xứng đáng là trung tâm hành chính của tỉnh Thái Nguyên, đô thị vệ tinh vùng trung du miền núi phía Bắc. Việc TP. Thái Nguyên tập trung quy hoạch nội thị gắn với kết nối các đô thị khác của tỉnh, các tỉnh lân cận đã tạo ra nhiều lợi thế, sự phát triển bền vững...

Kỳ  1: Mở rộng và nâng cao chất lượng đô thị

Trải qua từng giai đoạn xây dựng và phát triển, Thái Nguyên từ một thành phố có diện tích khiêm tốn, dân số quy mô nhỏ đã không ngừng “vươn mình” lớn mạnh về mọi mặt. Mục tiêu tổng quát của thành phố đến năm 2030 là: Xây đô thị văn minh, hiện đại, phát triển xanh, bền vững và toàn diện, mở rộng không gian đô thị phía Đông bờ sông Cầu và phía Tây.

Ký ức một thời

Nhắc nhớ lại những ngày đầu thành lập thành phố, nhiều bậc cao niên sinh sống, gắn bó với mảnh đất Thái Nguyên lại có dịp tìm về ký ức của một thành phố công nghiệp đầu tiên của vùng Việt Bắc.

Đồng chí Đinh Quang Ấn (sinh năm 1941), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên, bồi hồi nhớ lại: TP. Thái Nguyên được xây dựng, thành lập từ một thị xã có diện tích và số dân khiêm tốn. Ngày ấy, cả đô thị chỉ có 4 khu phố chính là: Tân Thành (trục đường 19-8 ngày nay); Phù Liễn (hay gọi là phố Gốc Me, Kép Le); Trưng Vương (hay còn gọi là Bến Tượng) và khu phố chạy dọc từ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Bắc lên phố Mỏ Bạch. Những nhà dân bám dọc theo các trục đường chính được gọi là người thành phố, kể cả trục đường chạy vào khu vực Đán, còn lại thuộc huyện Đồng Hỷ quản lý là vùng nông thôn. Từ năm 1954 đến đầu những năm 1960, tỉnh Thái Nguyên được Trung ương quan tâm, tập trung kiến thiết, xây dựng nhiều công trình lớn, như: Trung tâm hành chính Khu tự trị Việt Bắc; trụ sở Khu ủy; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; khu Gang thép, tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên… Đó cũng là một trong những yếu tố để thị xã Thái Nguyên đủ điều kiện lên thành phố.

Ngày 19/10/1962, Trung ương đã quyết định thành lập TP. Thái Nguyên với quy mô 4 khu phố (Hoàng Văn Thụ, Trưng Vương, Phan Đình Phùng, Quan Triều), 2 thị trấn và 6 xã (Đồng Quang, Gia Sàng, Cam Giá, Quang Vinh, Đồng Bẩm, Túc Duyên) với tổng diện tích khoảng 100km2, dân số khoảng 60.000 người.

Trải qua 60 năm xây dựng, phát triển, TP. Thái Nguyên không ngừng lớn mạnh, luôn khẳng định vai trò là trung tâm hành chính của tỉnh, thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc (giai đoạn 1956-1975), trung tâm vùng Việt Bắc. Suốt 60 năm ấy, địa giới hành chính của thành phố cũng có nhiều đổi thay.

Đặc sản chè Tân Cương đã được nâng tầm thương hiệu khi có nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến sâu và ngày càng đa dạng dòng sản phẩm.

Mở rộng để phát triển

Để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ, ngày 2/4/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 102/HĐBT chuyển huyện Đồng Hỷ sang phía Đông - Bắc sông Cầu; TP. Thái Nguyên tiếp nhận thêm 7 xã phía Tây, Tây Bắc của huyện Đồng Hỷ, đồng thời cắt xã Đồng Bẩm và 2 phường Chiến Thắng, Núi Voi về huyện Đồng Hỷ.

Trong giai đoạn 1985-2011, Trung ương đã ra nhiều quyết định về việc chia tách, đổi tên, thành lập một số xã, phường của thành phố. Đặc biệt, trước yêu cầu hội nhập và phát triển của thành phố trung tâm vùng Việt Bắc, ngày 18/8/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 422/NQ-UBTVQH14 về việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP. Thái Nguyên và thành lập 2 phường. Theo đó, TP. Thái Nguyên tiếp quản thêm 5 đơn vị hành chính gồm: xã Sơn Cẩm (Phú Lương); thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) và xã Đồng Liên (Phú Bình); đồng thời thành lập 2 phường Đồng Bẩm, Chùa Hang thuộc TP. Thái Nguyên.

Sau nhiều lần điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, đến nay, TP. Thái Nguyên có 32 xã, phường, với 401 xóm, tổ dân phố. Về diện tích tự nhiên, TP. Thái Nguyên trải rộng trên phạm vi 222,93km2 (gấp hơn 2 lần so với năm 1962). Về dân số, đến năm 2022, thành phố có trên 360 nghìn người (gấp hơn 6 lần khi mới thành lập) và hàng chục nghìn người thường xuyên lưu trú học tập, công tác. Như vậy, TP. Thái Nguyên là địa phương đứng đầu tỉnh về số đơn vị hành chính và dân số.

Phạm vi đô thị của TP. Thái Nguyên liên tục được cấp có thẩm quyền quy hoạch phát triển ra nhiều phía nhưng theo trục Đông - Tây, Nam - Bắc là chính. Tính theo trục Nam - Bắc, điểm cuối của TP. Thái Nguyên là phần địa giới của xã Đồng Liên giáp với huyện Phú Bình tới hết địa phận xã Sơn Cẩm có chiều dài gần 25km. Tương tự, trục Đông - Tây của TP. Thái Nguyên có điểm cuối của xã Phúc Xuân tiếp giáp với huyện Đại Từ và hết địa phận xã Linh Sơn có chiều rộng lên đến gần 20km. Như vậy, “sức vươn” của thành phố là kết quả tất yếu của sự phát triển đô thị.

Điều đáng tự hào hơn nữa là TP. Thái Nguyên đã có hơn 10 năm được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Niềm vui khi là “người thành phố”

5 đơn vị hành chính cấp xã sau khi điều chỉnh địa giới hành chính (năm 2017) đã chính thức sáp nhập vào TP. Thái Nguyên. Từ đó, các xã, phường sau sáp nhập cũng được thành phố đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó điển hình là Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực - TP. Thái Nguyên với các hạng mục: Đường và nâng cấp khu dân cư Đồng Bẩm; đường và cầu Mo Linh 1, cầu Mo Linh 2; đường Huống Thượng - Chùa Hang, cầu Huống Thượng…

Phường Chùa Hang được xác định là hạt nhân phát triển phía Đông của TP. Thái Nguyên. Bởi ngoài thừa hưởng cơ sở hạ tầng của trung tâm hành chính huyện Đồng Hỷ cũ, địa phương được TP. Thái Nguyên huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Có thể kể đến dấu ấn mới của địa phương này là những công trình, dự án đã và đang làm mới bộ mặt đô thị, như Dự án Khu đô thị Danko city. Song song với những đổi thay ấy, niềm vui ấy, họ cũng nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình như lớn hơn, cùng đóng góp công sức để xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn.

Đồng chí Hoàng Thị Thanh Hương, Bí thư Đảng ủy phường Chùa Hang, thông tin: Được sáp nhập về TP. Thái Nguyên và nâng cấp lên phường loại II là tiền đề, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Chùa Hang. Từ đây, hạ tầng kinh tế - xã hội được thành phố quan tâm, ưu tiên đầu tư với các dự án khu dân cư, hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông, môi trường, các thiết chế văn hóa, giáo dục ngày càng đồng bộ, hoàn chỉnh. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân được phát huy. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao hằng năm. Cụ thể như thu ngân sách 2021 đạt 104% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2022 đạt 57% kế hoạch.. .

Còn theo đồng chí Nguyễn Văn Tư, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đồng Liên: Không chỉ cán bộ, công chức xã vui mừng mà bà con cũng phấn khởi. Điều đó được thể hiện ngay từ những cuộc họp lấy ý kiến về việc sáp nhập và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt gần 100%. Sau khi chính thức sáp nhập, người dân rất vui mừng và luôn nỗ lực phấn đấu để xứng đáng là công dân thành phố loại I. Bên cạnh đó, xã cũng được quan tâm đầu tư nhiều hơn về mọi mặt, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng.

Theo ông Từ Quang Hiển, nguyên Giám đốc Đại học Thái Nguyên: TP. Thái Nguyên không chỉ là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh mà còn là trung tâm giáo dục, đào tạo hàng đầu của cả nước với hệ thống các trường đại học, cao đẳng. Từ đây đã đào tạo ra hàng nghìn kĩ sư, bác sĩ và cán bộ, công nhân kỹ thuật để cung cấp nhân lực trình độ cao cho tỉnh và khu vực cũng như cả nước. Đây cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học với hàng nghìn giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đang sống và làm việc, cống hiến trí tuệ, thành quả nghiên cứu khoa được áp dụng vào đời sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước.

(Còn nữa...)

Nhóm P.V