Ông P.V.S, xã Phúc Hà (TP. Thái Nguyên), là một trong những trường hợp mắc lao phổi mới được phát hiện vào tháng 6 vừa qua. Hiện nay, ông đang được theo dõi, điều trị ngoại trú theo phác đồ của các bác sĩ tại Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên.
Trước khi được phát hiện mắc lao phổi, ông S. từng có thời gian dài hút thuốc lá (trung bình mỗi ngày hút 1 bao thuốc lá). Do hút thuốc, ông thường ho nhiều vào các buổi sáng hoặc khi đi ngủ. Bởi vậy, thấy ho kéo dài, ông không để ý đến tình trạng bệnh của mình. Khi tình trạng tức ngực, hay sốt về chiều kéo dài, ăn uống kém, có hiện tượng sút cân nhanh, ông mới nhập viện để khám thì được phát hiện mắc bệnh lao tràn dịch màng phổi. Sau đợt điều trị dài ngày tại Bệnh viện, ông S. được xuất viện. Dù vậy, hằng tháng, ông vẫn được theo dõi, lấy thuốc điều trị ngoại trú.
Ông S. nói: Tôi vẫn biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng không nghĩ thuốc lá lại khiến mình mắc bệnh lao phổi nặng như vậy. Nghe lời khuyên của các bác sĩ, đặc biệt là để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, tôi đã từ bỏ thuốc lá. Từ ngày cai thuốc lá, lại được theo dõi, điều trị đúng cách, sức khỏe của tôi đã cải thiện rất nhiều.
Trên thực tế, những trường hợp phải nhập viện điều trị bệnh lao phổi, có tiền sử hút thuốc lá ở Thái Nguyên không phải là hiếm. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên mỗi tháng điều trị cho hằng trăm bệnh nhân nội trú, trong đó có nhiều trường hợp bệnh nhân hút thuốc lá từ 20 năm trở lên nhập viện vì bị bệnh liên quan đến phổi hoặc bị lao.
Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện, cho hay: Qua thăm khám, chúng tôi đã phát hiện nhiều người mắc lao phổi. Được bác sĩ giải thích nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lao phổi là do hút thuốc lá lâu năm, không ít người chống chế rằng họ đã hút thuốc lá nhiều năm vẫn thấy sức khỏe bình thường, vì sao bây giờ lại mắc bệnh. Chỉ khi bác sĩ cho xem phim chụp X-quang phổi bị thủng rỗ nhiều chỗ và giải thích cặn kẽ thì họ mới hiểu ra.
Qua chia sẻ của các bác sĩ, có không ít người mắc bệnh liên quan đến phổi phải nhập viện điều trị 2, 3 lần. Nguyên nhân là khi mắc các bệnh về phổi, họ thường ho nhiều, sức khỏe kém nên trong quá trình điều trị rất hợp tác với nhân viên y tế. Nhiều người còn chủ động bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị và bỏ thuốc lá, sức khỏe chuyển biến tốt, họ lại “điếc không sợ súng” quay lại hút thuốc lá như trước.
Bác sĩ Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh: Qua phân tích cho thấy, trong khói thuốc lá chứa trên 4.000 hoá chất, trong đó có 43 hoá chất là nguyên nhân gây ung thư, nguy hiểm nhất là chất hắc ín, Nicotin, chất gây nghiện... Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu. Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên nhiều bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, hút thuốc lá là con đường gần nhất dẫn đến bệnh lao, phổi. Vì vậy, mọi người hãy cố gắng từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
Để từ bỏ thuốc lá, theo bác sĩ Giang, ngoài sự tư vấn, giải thích, tuyên truyền của cán bộ y tế, rất cần sự quyết tâm của người bệnh. Cùng với đó là sự động viên, khích lệ của người thân, bạn bè…