Cập nhật: Thứ hai 26/09/2022 - 08:23
Khu KTX Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên có nhà H2 lẻ 3 tầng xây dựng trước năm 1994 đã xuống cấp nghiêm trọng.
Khu KTX Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên có nhà H2 lẻ 3 tầng xây dựng trước năm 1994 đã xuống cấp nghiêm trọng.

Những ngày này, các trường thuộc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đang tập trung làm thủ tục đón tân sinh viên (SV) nhập học. Để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho SV, một số trường đã dành kinh phí để sửa chữa các nhà ký túc xá (KTX). Tuy nhiên, nhiều khu KTX được xây dựng cách đây hơn chục năm, thậm chí vài chục năm nên đã xuống cấp.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu KTX nội trú gồm 6 nhà (5 tầng/nhà) do ĐHTN bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2011, anh Nguyễn Công Hải, Phó Trưởng Phòng Quản trị phục vụ, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, thở dài nói: 6 dãy nhà đều xuống cấp. Hiện, nhà K1 bị nặng nhất, nền nhà vệ sinh bị thấm nước, rò rỉ các đường ống trong hệ thống kỹ thuật, cửa gỗ mối mọt... các nhà khác thì tình trạng nền nhà bong gạch, tường rêu phong, ẩm mốc là phổ biến. Hệ thống quạt điện treo trên trần nhà không còn tác dụng.

Đến thời điểm này Trường Đại học Nông lâm có trên 300 SV khóa mới đã nhập học, trong đó có ½ đăng ký ở KTX. Em Đinh Khắc Nam, nhà ở huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng, cho biết: Em mới nhập học, bố mẹ muốn em ở KTX cho yên tâm. Em đăng ký ở KTX, tham gia lực lượng thanh niên xung kích nên được bố trí ở cùng 1 anh SV năm thứ 4. Đối với chúng em thì chỗ ở cũng chỉ cần đảm bảo yêu cầu tối thiểu, nhưng nếu khu KTX này được đầu tư sửa chữa thì điều kiện ở, học tập của chúng em sẽ tốt hơn.

Được biết, mức thu 80 nghìn đồng/SV/tháng tiền phòng chỉ đảm bảo việc chi trả lương, thuê thu gom rác thải, sửa chữa nhỏ các phòng KTX.  Đợt này, chuẩn bị đón SV khóa mới nhập học, Trường Đại học Nông lâm bố trí kinh phí khoảng 300 triệu để sửa chữa những hạng mục xuống cấp không thể khắc phục được. Tuy nhiên, số tiền trên chỉ như muối bỏ bể, vì theo tính toán của anh Hải, mỗi nhà sửa chữa đồng bộ sẽ mất khoảng 2 tỷ đồng.

Ngấm, thấm, ẩm mốc tường nhà là thực trạng chung ở các dãy KTX Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

Khu KTX của Trường Đại học Sư phạm về tổng thể khá hơn Trường Đại học Nông lâm do những năm qua có nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên. Trường có 9 tòa nhà với 521 phòng, hiện có trên 1.400 SV ở. Theo đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng Phòng Quản lý cơ sở vật chất Nhà trường: Năm 2010, từ nguồn kinh phí Bộ GD& ĐT cấp trên 10 tỷ đồng, Nhà trường đã sửa chữa toàn bộ các dãy nhà KTX. Hằng năm, từ nguồn kinh phí hoạt động sự nghiệp, Nhà trường tập trung sửa chữa nhỏ những hạng mục xuống cấp. Năm 2022, Trường dành trên 4 tỷ để đầu tư các hạng mục phục vụ SV, nâng cấp hàng rào, chỉnh trang đường nội bộ trong khu KTX…

Khu KTX Trường Đại học Sư phạm 100% các phòng đều được lắp bình nóng lạnh, hiện 77 phòng có lắp điều hòa. Với phòng có nóng lạnh, Nhà trường thu 100 nghìn đồng tiền phòng/người/tháng; phòng có điều hòa thu 200 nghìn đồng/người/tháng. Tuy KTX có khá hơn Trường Đại học Nông lâm, nhưng hiện nay Trường Đại học Sư phạm có 1 nhà H2 lẻ 3 tầng, 24 phòng xây dựng từ trước năm 1994 xuống cấp nghiêm trọng không thể sử dụng được.

Tương tự tình trạng trên, 4 dãy nhà, 240 phòng KTX được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ, bàn giao đưa vào sử dụng năm 2010 của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật cũng đã xuống cấp rất nhiều. Hệ thống cửa cong vênh, mối mọt, một số nhà bị ngấm nước từ các phòng vệ sinh, tường ẩm mốc, quạt điện hỏng...

Năm 2020, Nhà trường đã dành gần 1 tỷ đồng sửa chữa mái nhà K1; năm 2022 dành khoảng 400 triệu đồng sửa chữa mái nhà K2, K3, nhưng cũng chỉ là sửa chữa những hạng mục cấp bách để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho SV.

Tổng quy mô người học của toàn ĐHTN là 63.710 SV. Số người học ở nội trú là 6.701 (chiếm 20% tổng số người học hệ chính quy tập trung).

Riêng khu KTX nội trú ĐHTN (16 tòa nhà 5 tầng) có sức chứa trên 4.500 người (nếu xếp 8 người/1 phòng), hiện nay có khoảng 2.500 người học ở. Khu nội trú này hiện giao 5 đơn vị quản lý, bao gồm: Trường Đại học Nông lâm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Ngoại ngữ và Khoa Quốc tế.

Tuy nhiên, do khu nội trú này đươc đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm nên hiện đã xuống cấp rất nhiều. Vùng tuyển sinh của ĐHTN chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều con em vùng đồng bào dân tộc thuộc diện hưởng chế độ miễn giảm học phí (hàng năm chiếm từ 30% - 40% trên tổng số SV của toàn Đại học), số này có nhu cầu ở trong các khu KTX rất cao, vì giá phòng rẻ. Nhưng do nhiều khu KTX xuống cấp nên phần lớn SV ra ngoài thuê phòng trọ.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo các trường thành viên của ĐHTN đều mong muốn ĐHTN kiến nghị Bộ GD&ĐT bố trí kinh phí sửa chữa lớn các khu KTX. Cùng với đó, số SV nước ngoài học tập tại ĐHTN tăng dần theo từng năm, cần có kinh phí để đầu tư xây dựng mới nhà KTX. Việc thu hút SV vào KTX sẽ giúp các trường thuận lợi hơn trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo.

Hằng Nga