Tại các phiên chợ được tổ chức tại xã Đức Lương (Đại Từ), xã Bình Sơn (TP. Sông Công), xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên), hơn 20 gian hàng có trưng bày nhiều sản phẩm, như: đồ điện gia dụng, lương thực, thực phẩm, hàng may mặc thời trang, da giày, điện tử viễn thông…
Ngay sau khai mạc, phiên chợ đã thu hút khá đông người dân đến mua sắm. Đang sắp xếp gọn gàng các vật dụng vừa mua được để chuẩn bị về nhà, bà Đào Thị Lan, xóm Đồi Chinh, xã Đức Lương, phấn khởi: Ngày thường, bà con ở đây chủ yếu mua hàng tại các buổi chợ phiên, các cửa hàng nhỏ, họ bán hàng gì thì mình mua cái đó chứ đâu được lựa chọn. Ở phiên chợ này thì khác, nhiều hàng hóa lắm, lại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, toàn là hàng của nước mình sản xuất, giá cả cũng phải chăng nên tôi đã mua khá nhiều sản phẩm.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) - đơn vị thực hiện các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, cho biết: Hàng hóa tại tất cả các phiên chợ đều là các mặt hàng thiết yếu, có nguồn gốc trong nước, giá bán hợp lý, mẫu mã đa dạng… Để các phiên chợ diễn ra hiệu quả, an toàn, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của người dân vùng nông thôn, miền núi, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương trong việc rà soát, lựa chọn địa điểm tổ chức; đồng thời, tìm hiểu, nghiên cứu tập quán sinh hoạt, nhu cầu mua sắm và thu nhập của người dân của từng vùng.
Từ đó, Trung tâm mời gọi các doanh nghiệp có uy tín, năng lực sản xuất, kinh doanh để chuẩn bị hàng hóa phù hợp. Các doanh nghiệp tham gia phiên chợ được hỗ trợ 100% chi phí lắp đặt gian hàng, vận chuyển hàng hóa, điện nước, vệ sinh, an ninh, quảng bá sản phẩm… Không đơn thuần là giá trị kinh tế, mục tiêu của việc tổ chức các phiên chợ này chính là dần làm chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng về việc lựa chọn hàng hóa, khẳng định chất lượng hàng hóa nội địa. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng, chứng minh năng lực sản xuất.
Trong số các doanh nghiệp có mặt tại phiên chợ năm nay, nhiều đơn vị đã có nhiều năm tham gia liên tục. Anh Dương Như Tuyên, chủ Cơ sở sản xuất giày dép T&L (TP. Sông Công), cho hay: Đây là năm thứ 8 chúng tôi tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Để phục vụ bà con, chúng tôi đã chuẩn bị những mẫu mã giày, dép được thiết kế mới nhất trong năm nay, với giá cả được niêm yết rõ ràng. Đây sẽ là cơ hội để chúng tôi tiếp cận thêm những khách hàng mới, mở rộng mạng lưới đại lý trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh các đơn vị tham gia thường xuyên, phiên chợ năm nay còn thu hút những đơn vị mới, là các doanh nghiệp có tên tuổi, uy tín trên thị trường. Ông Dương Thế Hùng, Giám đốc Siêu thị Aloha Chi nhánh Thái Nguyên, nói: Tham gia phiên chợ, Siêu thị đã chuẩn bị trên 200 mã sản phẩm, tập trung vào 4 nhóm hàng thiết yếu: Thực phẩm, thời trang, đồ gia dụng và hóa mỹ phẩm. Trong đó, hàng thực phẩm tại phiên chợ có giá bán thấp hơn khoảng 10% so với hàng hóa cùng loại đang bán tại Siêu thị. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều người dân được tiếp cận với hàng hóa đảm bảo chất lượng cũng như quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp đến đông đảo người dân.
Ngoài gian hàng của các doanh nghiệp, mỗi huyện, thành phố cũng có gian hàng riêng, giới thiệu, bày bán các sản vật địa phương. Đặc biệt, để tăng sức hút cho phiên chợ, các địa phương đã phối hợp tích cực với Ban Tổ chức thực hiện các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức, tham quan, mua sắm.
Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến thương mại, tính đến thời điểm này, các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi năm 2022 đã thu hút trên 12.000 lượt người dân đến tham quan, mua sắm.