Thành phố của tôi còn ấp ôm trong lòng cả một miền chè xanh mướt mát rộng gần 1.500ha. Chè Tân Cương, TP. Thái Nguyên tự hào từ bao đời nay bởi đã được giới sành trà tôn xưng là “Đệ nhất danh trà”. Ấm trà trứ danh Đệ nhất Tân Cương chẳng thể lẫn với bất kỳ trà ở vùng nào khác bởi hương vị như chát đến tận cùng, nhưng ngọt sâu cuống họng.
Để lý giải cho sự đượm sâu đến vô cùng ấy của trà Tân Cương, các cụ cao niên qua nhiều thế hệ đã có cách lý giải hết sức trữ tình. Đó là một mối tình đã thấm sâu trên mảnh đất này.
Chuyện kể về tình yêu của chàng Cốc nàng Công. Chàng trai nghèo sống bằng nghề đốn củi đem lòng yêu thương người con gái xinh đẹp con của một vị quan lang quyền quý trong vùng. Nhưng rồi, tình yêu của hai người bị cha ngăn cản, nên chia cắt đôi đường. Nhớ thương và chờ đợi, chàng Cốc đã hóa thành quả núi để mãi đợi người yêu. Vì thương nhớ chàng, nàng Công khóc ròng rã, rồi thân thể nàng cũng tan ra thành nước. Chuyện tình của họ, tiếng sáo của chàng Cốc và nước mắt nàng Công đã thấm vào rễ cây chè nên tạo ra vị vừa chát, vừa ngọt sâu lưu luyến mãi nơi cổ họng, để người đời sau nhấp một ngụm chè rồi nhớ mãi khôn nguôi.
Như vòng tay dang rộng, thành phố tôi còn là nơi hội tụ của của những học sinh, sinh viên đến từ mọi miền đất nước. Tự hào là một trong 3 Đại học vùng của cả nước, Đại học Thái Nguyên hiện có 7 trường đại học thành viên, 1 trường cao đẳng cùng với một số phân hiệu, trường và khoa trực thuộc. Trong số sinh viên từ nhiều miền đất tụ hội lại nơi này, biết bao người đã vì yêu thương mà ở lại, chọn TP. Thái Nguyên làm quê hương thứ 2 của mình.
Dù là công dân thành phố gốc hay là người phương xa vì yêu mà chọn đây làm nơi gắn bó máu thịt đều có thể cảm nhận sự dịu êm và độ lượng của thành phố vừa tròn tuổi 60. Sự bao dung và dịu êm của thành phố không chỉ do tôi cảm nhận mà điều đó đã được đúc kết tự bao giờ “Muốn yên thì về Thái Nguyên mà ở”. Một câu đó thôi đã phần nào cho thấy sự yên bình của thiên nhiên và cái rộng rãi của lòng người ở mảnh đất được mệnh danh thành phố Thép.
Thành phố tôi non nước hữu tình, với dòng sông Cầu lững lờ chảy qua. Dòng sông tạo nên cảnh sắc hai bờ vừa trữ tình vừa đặc biệt. Dù dòng sông đã làm ngăn cách vùng đất phía Đông thành phố với khu vực trung tâm, song lại tạo ra sự phong phú về không gian đô thị, loại hình phát triển kinh tế và tập quán sinh sống của người dân.
Bởi, các xã thuộc khu vực phía Đông thành phố, phía bên kia sông chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Phía Đông bên kia sông là vùng đất thuần nông với những cánh đồng lúa, hoa, rau màu trải dài tít tắp. Sau mỗi trận “đại hồng thủy”, nước sông Cầu tràn vào nhấn chìm hết thảy mọi cánh đồng. Bao mầm xanh tốt tươi bị “xóa sổ” theo con nước. Nhưng như một sự chuộc lỗi và bù đắp, nước rút đi để lại trên đồng lớp phù sa màu mỡ, giúp những vụ sau cây lúa được trĩu bông và những vườn hoa, ruộng rau sẽ tốt tươi bời bời hoa lá. Nhờ vậy mà nhiều sản phẩm nông nghiệp từ phía bờ Đông đã được định danh trong lòng người tiêu dùng như rau và hoa của Linh Sơn, Huống Thượng, hay đặc biệt hơn là quả ổi Linh Sơn đã nức tiếng gần xa...
Thành phố của tôi là như thế!