Là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và truyền thông, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thời gian qua, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) luôn chú trọng phát triển nguồn lực, đặc biệt là nhân lực trẻ trong hoạt động nghiên cứu và ĐMST.
Nhiều nhóm nghiên cứu là giảng viên trẻ, sinh viên của Nhà trường đã nỗ lực ĐMST trong hoạt động nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao và đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khởi nghiệp, ĐMST cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Ths. Nguyễn Thế Dũng, giảng viên Khoa Công nghệ điện tử và Truyền thông, chia sẻ: Là giảng viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu, bản thân tôi luôn tìm tòi, định hướng cho các thành viên trong nhóm sáng tạo về khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện đại, đặc biệt là những kiến thức liên ngành điện tử, công nghệ thông tin và tự động hóa. Từ đó giúp các thành viên trong nhóm có khả năng nghiên cứu khoa học gắn với đổi mới, đưa ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao”.
Không chỉ Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, hiện các trường đại học trực thuộc Đại học Thái Nguyên bằng nhiều hình thức khác nhau luôn chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ sinh viên thắp sáng tinh thần khởi nghiệp, ĐMST.
TS. Nguyễn Đình Yên, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo - Khởi nghiệp và Cung ứng nhân lực Đại học Thái Nguyên, cho biết: Trung tâm là đầu mối của Đại học Thái Nguyên thực hiện kết nối, hợp tác trong các chương trình khởi nghiệp, ĐMST. Thời gian qua, Trung tâm đã tập trung đề xuất nhiệm vụ khởi nghiệp quốc gia Techfesh 2022; tìm kiếm các dự án hợp tác, cung cấp dịch vụ chung để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST; xây dựng các dự án về đào tạo, huấn luyện; tư vấn hỗ trợ, truyền thông, kết nối, xúc tiến đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong nước và quốc tế; cung cấp các tiện ích, tổ chức các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cần thiết khác cho giảng viên, sinh viên của Đại học Thái Nguyên và cá nhân, tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trong đó miễn phí cho giảng viên, sinh viên của Đại học Thái Nguyên.
Ngoài ra, Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với Sở KH&CN tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, ĐMST trong sinh viên: Tổ chức các cuộc thi liên quan đến ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức các hội thảo, chuyên đề về các chủ đề liên quan đến ĐMST; tập huấn nâng cao nhận thức hoặc đào tạo chuyên sâu cho giảng viên, sinh viên về các chủ đề liên quan đến khởi nghiệp, ĐMST…
Đặc biệt, hằng năm Trung tâm phối hợp với Sở KH&CN tổ chức các cuộc thi liên quan đến khởi nghiệp, ĐMST. Điển hình, trong năm 2020 Trung tâm đã đăng cai tổ chức thành công cuộc thi chung kết Ngày hội khởi nghiệp, ĐMST tỉnh Thái Nguyên. Tại “sân chơi” này, Ban Tổ chức đã nhận được 132 ý tưởng, dự án ở các lĩnh vực khác nhau. Qua đây cũng đã kết nối, giới thiệu, hỗ trợ 16 ý tưởng khởi nghiệp đạt kết quả tốt để tham gia cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cuộc thi Khởi nghiệp Techfesh quốc gia.
Em Ngô Thị Thả, sinh viên năm thứ 4, Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên, tham gia đề tài sáng kiến “MyA-Handmade Soap” (tạo ra sản phẩm xà bông làm từ nguyên liệu tự nhiên), bày tỏ: "Các cuộc thị khởi nghiệp, ĐMST đã giúp sinh viên chúng em hiểu biết về kỹ năng, tư duy khởi nghiệp, ĐMST. Cũng là để giúp sinh viên chúng em thử sức tìm tòi, khám phá, làm ra những sản phẩm công nghệ mới”.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng thực tế cho thấy, việc ứng dụng các ý tưởng được đánh giá cao của sinh viên vào thực tiễn còn rất khiêm tốn. TS. Nguyễn Đình Yên cho rằng, nguyên nhân sâu xa do thiếu sự kết nối với các chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp để hiện thực hóa các ý tưởng.
Bởi vậy, TS. Nguyễn Đình Yên đề xuất, trong thời gian tới Sở KH&CN ngoài việc tiếp tục giao nhiệm vụ KH&CN để sinh viên thử sức nghiên cứu các đề tài khoa học và hỗ trợ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì cần đóng vai trò trung gian kết nối giữa trường đại học, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong hợp tác hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, ĐMST do sinh viên thực hiện.