Đam mê nghiên cứu khoa học
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh là một trong những cơ sở y tế mạnh dạn ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào điều trị cho người bệnh, như: Ô xy cao áp lâm sàng, phẫu thuật trĩ bằng điện cao tần, điều trị u xơ tiền liệt tuyến bằng Laser, Laser nội mạch, Laser hồng ngoại tần số thấp, xông thuốc y học cổ truyền, tập vận động trị liệu, sản xuất chế phẩm thuốc y học cổ truyền... Có được kết quả ấy ngoài sự nỗ lực của tập thể còn có sự đóng góp không nhỏ của bác sĩ Hương.
Với các đồng nghiệp, chị không chỉ là một lãnh đạo dám nghĩ, dám làm mà còn rất đam mê nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài nghiên cứu của chị đã được áp dụng vào điều trị cho người bệnh mang lại hiệu quả tích cực. Đơn cử như các đề tài: Đánh giá tác dụng của bài thuốc Lục vị Địa hoàng thang trong điều trị đái tháo đường type 2; Đánh giá tác dụng của Bài thuốc Lục vị Quy thược gia giảm trong điều trị tăng huyết áp; Đánh giá tác dụng của bài thuốc Lục vị Quy thược gia giảm trong điều trị rối loạn lipid máu; Điều tra khảo sát các vị thuốc và đánh giá hiệu quả điều trị của 3 bài thuốc nam kinh nghiệm chữa sỏi đường tiết niệu; Đánh giá tác dụng của cao lỏng hoạt huyết thông mạch kết hợp Laser nội mạch trong điều trị thiểu năng tuần hoàn não mãn tính; Đánh giá tác dụng của tỏi đen kết hợp bài thuốc Bán hạ bạch truật thiên ma thang trong điều trị rối loạn lipid máu...
Lý giải về niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình, chị Hương cho hay: Tại Thái Nguyên, có rất nhiều bài thuốc quy đang lưu truyền trong nhân dân. Nếu chúng ta không gìn giữ và phát huy, nhiều bài thuốc dân gian chữa bệnh hiệu quả có thể bị mất đi theo thời gian. Bởi lẽ ấy, tôi thực hiện các đề tài nghiên cứu là để góp phần nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn những tinh hoa của y học dân tộc…
Hạnh phúc là cho đi
Những tháng đầu năm, số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày của Thái Nguyên tăng lên 4 con số, hoạt động của Bệnh viện vì thế cũng chuyển sang trạng thái mới - vừa điều trị bệnh nhân, vừa chủ động phòng, chống dịch. Có thời điểm, bệnh viện theo dõi, điều trị hơn 160 người mắc COVID-19, chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường, gặp di chứng sau tai biến mạch mãu não…
Khi ấy, nhiều người cao tuổi mắc COVID-19 xin được nhập viện để điều trị. Do sức khỏe yếu, có bệnh lý nền, nhiều người có tâm lý hoang mang, lo sợ. Bởi vậy, là người đứng đầu của Bệnh viện, chị Hương đã đến thăm, động viện tinh thần để bệnh nhân yên tâm điều trị. Đáng mừng là từ việc Bệnh viện bào chế thành công thuốc điều trị COVID-19 bằng đông y, hầu hết các bệnh nhân đều nhanh khỏi bệnh, phục hồi tốt.
Sinh ra, lớn lên ở vùng đất nghèo Ôn Lương (Phú Lương), chị hiểu được những khó khăn, vất vả của người dân vùng khó. Chị luôn cảm thông, chia sẻ với những người bệnh có hoàn cảnh còn nhiều gian khó. Trong vai trò là người đứng đầu Bệnh viện, chị rất “chăm chỉ” kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Chị bảo: Nhiều bệnh nhân từ những vùng quê nghèo của tỉnh Bắc Kạn về đây chữa bệnh. Có những bệnh nhân ở các địa bàn xa xôi của Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương… cũng đến Bệnh viện để được điều trị dài ngày. Với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt, để có các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng khi nằm viện là cả một vấn đề. Do đó, ngoài chút kinh phí Bệnh viện “thắt lưng buộc bụng” để giúp đỡ người bệnh, tôi và các đồng nghiệp đã vận động nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay làm việc thiện. Tháng 2 năm nay, chúng tôi đã vận động HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến công hỗ trợ 1 tấn gạo và 35 triệu đồng để tổ chức các bữa ăn miễn phí (1 bữa phụ và 2 bữa chính/ngày) cho bệnh nhân trong vòng 1 tháng.
Khiêm tốn là những gì chúng tôi cảm nhận được ở vị bác sĩ này. Sau tất cả những bận rộn, vất vả, niềm hạnh phúc của chị Hương chính là khi thấy bệnh nhân của mình được xuất viện với tinh thần lạc quan, sức khỏe cải thiện rõ rệt... Chị và các đồng nghiệp rất vui khi chứng kiến những bệnh nhân thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn chuyển hóa, bệnh về khớp và thần kinh, u xơ tuyến tiền liệt… đã hồi phục rất tích cực sau điều trị. Vui nhất là khi thấy nhiều bệnh nhân bị liệt nửa người sau tai biến mạch máu não đã trở nên vui vẻ, tự đi lại được…
Trong tâm thức của những bệnh nhân từng điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, bác sĩ Hương không chỉ là người thầy thuốc của lòng dân mà còn được coi như người thân của chính họ vậy. Cụ Nguyễn Trung Kiên, 88 tuổi, ở phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên), cho biết: Trong những ngày điều trị bệnh viêm quanh khớp vai, rối loạn thần kinh, tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn não tại Bệnh viện, tôi nhiều lần được bác sĩ Hương ân cần hỏi han, quan tâm. Tình cảm của bác sĩ Hương đối với người bệnh thật đáng quý trọng.
Sau 27 năm gắn bó với Bệnh viện Y học cổ truyền (hiện có quy mô 250 giường bệnh, mỗi năm điều trị nội trú cho hơn 5.000 lượt bệnh nhân), tháng 7-2022, bác sĩ CKII Trương Thị Thu Hương đã vinh dự được đề nghị xét tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Chị là thầy thuốc duy nhất của Thái Nguyên được đề nghị công nhận danh hiệu cao quý này. |