Cập nhật: Thứ năm 29/09/2022 - 14:09
Gia đình cô Phạm Thị Vân đã có 3 đời gắn bó với nghề trồng, chế biến chè.
Gia đình cô Phạm Thị Vân đã có 3 đời gắn bó với nghề trồng, chế biến chè.

- “3 đời chứ nhỉ?” Tôi hỏi. “Bà ngoại em, mẹ em rồi đến em”.
- “Không! 2 đời thôi chị”. Hải cười nhẹ: “Đời làm chè theo lối truyền thống rồi sau đó “lên đời” với chè hữu cơ”.
Câu chuyện giữa chúng tôi cứ tiếp tục như vậy cho đến tận trưa muộn. Từ lúc sương còn đọng phủ trên mấy bông nhài, bông hồng gia đình Hải trồng để ướp chè đến khi mặt trời lên cao, mấy cánh chè đã khép lại, rũ xuống để giữ nước cho cây. Câu chuyện lần theo hành trình 60 năm của gia đình Lê Sơn Hải, ở xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên) - một gia đình có truyền thống gắn bó với cây chè.

 

Theo mạch chuyện bên chén trà thơm ngát, Hải bảo: Em biết được thành phố chuẩn bị kỳ niệm 60 năm thành lập, mà gia đình em cũng làm chè được ngần đó thời gian rồi!

Ngồi cạnh đó, cô Phạm Thị Vân, mẹ Hải đính chính: Thực tế thì trong nhà có cây chè từ lâu rồi, từ lúc cô lớn lên, gốc chè ngoài vườn đã to bằng cổ tay, nhưng các cụ chỉ trồng vài cây để đun nước chè xanh uống. Chính thức thành “nghề” thì phải là đến khoảng năm 1961-1962, thời mẹ cô, một người con vùng hồ Tây (Hà Nội).

Bà Nguyễn Thị Hân, mẹ cô Vân – bà ngoại của Hải, năm nay đã 86 tuổi, là người đầu tiên trong nhà “biến” làm chè trở thành nghề nuôi sống cả gia đình. Cô Vân nói: Cô sinh năm 1961, là con thứ 2 trong gia đình, cũng được coi là “nhành trên” rồi nên mọi công việc làm chè, cô đều được mẹ hướng dẫn từ bé. Ngày xưa, búp chè hái không như bây giờ, người ta hái sâu búp chè, dài bằng cả gang tay, búp non đến đâu thì hái đến đó. Việc vò chè cũng được làm bằng tay, bằng chân, chè sao bằng chảo gang, trên bếp củi, phải canh lửa, rồi thời gian nữa. Không có mẻ nào giống mẻ nào.

Các sản phẩm chè của gia đình Lê Sơn Hải đều đạt tiêu chuẩn hữu cơ và được khách hàng ưa chuộng.

Nhà khó khăn, cô Vân không được đi học nhiều. Đến nửa chừng lớp 2 thì nghỉ. Từ ngày đó, cuộc sống của cô gắn bó hoàn toàn với những đồi chè. Sáng sớm lên đồi hái chè, chiều về đổ ra hong cho khô rồi ctối lại vò chè, sao chè đến tận đêm muộn.

Cô Vân cười nhớ lại: Ngày đó, người làm chè, bàn tay, bàn chân ai cũng đen sì, xấu xí. Vì điều này nên hồi còn nhỏ, cô xấu hổ lắm, cứ ra ngoài là phải đeo găng tay, tất chân. Có lúc vì ngại với bạn bè nên cô cố gắng làm chè quấy quá, cốt cho xong để không phải động tay, động chân nhiều. Vì vậy mà bị mẹ mắng mất mấy ngày.

Là một người tỉ mỉ, bà Hân từng nói với con cháu: Các bước làm chè rất dễ nhưng để làm ra những búp chè ngon thì lại khó vô cùng. Nó cần cái tâm của người làm chè và cả sự tỉ mỉ, kiên trì.

Tư tưởng của bà Hân cũng ảnh hưởng nhiều đến các con và cháu mình. Để rồi sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền rồi trở về thuyết phục gia đình cho gắn bó với cây chè và đến tận bây giờ, Hải – thế hệ thứ ba trong gia đình làm nghề chè, luôn tâm niệm: Điều lớn nhất mà bà và mẹ dạy cho em trong nghề chè là cái tâm và sự tử tế. Cây chè mang lại cho gia đình em không chỉ lợi ích về kinh tế mà còn là sự gắn kết, sự truyền lửa để giữ nghề truyền thống.

Chẳng thế mà ngay sau khi quyết định sẽ khởi nghiệp từ chính những đồi chè của gia đình, Hải chọn ngay hướng đi là chè hữu cơ. “Em nói với mẹ, làm chè theo cách của bà, của mẹ là cách làm cũ rồi. Chè phun thuốc trừ sâu, bón phân hóa học nhiều vừa hại cho người tiêu dùng lại ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người trồng. Cứ làm như vậy, đất này vài chục năm sau sẽ như thế nào?” – Hải nói khi thuyết phục mẹ và bà.

Khi nghe cháu nói, bà Hân đồng ý ngay, còn cô Vân vẫn còn chút lấn cấn. Vài nghìn m2 chè này là do cô và chồng làm lụng vất vả, tích góp từng đồng, rồi vay mượn cả ngân hàng, người thân để có tiền mua từng khoảnh đất nhỏ, cuốc từng hố đất trồng chè. Khi chồng mất, một mình cô Vân lại gồng gánh cả mấy đồi chè để cho các con ăn học. Giờ nghe con bảo để không mấy lứa, cô rất xót.

Phải nói thêm, thời điểm năm 2015, ở Thái Nguyên và ngay cả các địa phương khác, “hữu cơ” vẫn là một cụm từ xa lạ. Thương và tin con, cuối cùng cô Vân vẫn đồng ý. Từ đó, hai mẹ con lặn lội chở nhau đến nhiều địa phương để học hỏi kiến thức từ các mô hình trồng trọt hữu cơ. Tiếp theo là một quá trình thử nghiệm – thất bại – thử nghiệm… lặp đi lặp lại.

Hiện, gia đình Hải có 10.000m2 chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Cuối cùng, sau nhiều năm miệt mài, Hải cũng cho ra sản phẩm chè hữu cơ ưng ý và chuyển đổi thành công toàn bộ diện tích chè của gia đình sang trồng theo phương pháp hữu cơ, bón hoàn toàn bằng phân chuồng hoai mục và đỗ tương ủ. Đến giờ, sản phẩm chè của mẹ con cô Vân hoàn toàn đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Gia đình còn đang liên kết với 5 hộ khác để trồng chè theo hướng hữu cơ, với tổng diện tích khoảng 3ha.

Hải chia sẻ: Chỉ tính riêng gia đình em, sản lượng là 1,5 tạ chè búp khô/lứa. Nếu tính cả các hộ liên kết thì là 3-4 tạ/lứa. Chè làm ra đảm bảo tiêu chuẩn nên được đông đảo khách hàng biết đến, tiêu thụ trong cả nước. Nhà em có nhiều loại sản phẩm: Chè búp có giá 500 nghìn đồng/kg, chè ướp hoa các loại (hoa hồng, hoa cúc, hoa sói, hoa nhài, hoa mộc…) có giá cao hơn một chút, đắt nhất phải kể đến chè sen do gia đình tự ướp, có giá khoảng 15 triệu đồng/kg.

Còn với cô Vân, khi nhìn thấy thành quả của Hải, bản thân cô rất đỗi tự hào: 60 năm, sản phẩm chè của gia đình đã chuyển từ thời cô theo mẹ lên tàu xuống Hà Nội bán từng gói chè nhỏ, sau đó là đóng bao mang ra chợ bán còn bây giờ đã có khách hàng gọi điện đến tận nơi đặt mua. Một hành trình rất dài và cũng không ít khó khăn. Nhưng cả mẹ và cô đều rất tự hào khi các cháu, các con biết yêu và gắn bó với những đồi chè, không những vậy còn “nâng tầm” búp chè của gia đình.

Hành trình làm chè của gia đình Hải tất nhiên sẽ không dừng lại ở con số 60 năm, mà còn tiếp tục kéo dài. Hải chia sẻ: Sau khi thành công với mô hình sản xuất chè của gia đình, điều em đang hướng đến là tạo ra giá trị cho cộng đồng, cho những người làm chè ở quê hương. Em đang có dự định thành lập hợp tác xã kết hợp trồng, chế biến chè hữu cơ và phát triển du lịch cộng đồng; tạo ra sự gắn kết bền chặt từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Và em tin trên hành trình đó, bà, mẹ và cả gia đình sẽ luôn ủng hộ em!

Mai An - Lăng Khoa