Một thời để nhớ…
Trong cái rét nhè nhẹ của trời Thu, chúng tôi cho xe chạy chầm chậm trên con đường bê tông uốn lượn ở xã Linh Sơn. Men theo những cánh đồng trồng rau xanh mướt mắt ở các xóm Bến Đò, Ngọc Lâm, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất này. 5 năm trước, nơi đây được xem là “vựa” rau chuyên canh của huyện miền núi Đồng Hỷ. Mỗi vụ thu hoạch, người làng rau Bến Đò, Ngọc Lâm thường vượt cầu treo Bến Oánh để mang rau xanh sang chợ Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) bán. Cách nhau chỉ một con sông, bên huyện, bên thành phố, trong đời sống sinh hoạt của người dân cũng có những khác biệt.
Ông Nguyễn Văn Cơ, xóm Bến Đò, chia sẻ: Ở thành phố, nhịp sống hối hả, nhộn nhịp. Còn người quê chúng tôi sống bình lặng hơn. Sinh ra, lớn lên cùng nhau, từ đầu xã đến cuối xã mọi người đều quen biết nhau. Mỗi khi có việc hiếu, hỷ, người trong làng, ngoài xã lại chung tay giúp đỡ nhau như những người thân trong gia đình. Bởi vậy, khi nghe thông tin xã Linh Sơn được điều chỉnh địa giới hành chính từ huyện Đồng Hỷ về TP. Thái Nguyên, người dân chúng tôi xao xuyến lắm. Trước đây, các loại giấy tờ của gia đình như giấy khai sinh của các con, sổ hộ khẩu, giấy tờ nhà đất… đều là huyện Đồng Hỷ cấp. Sau khi xã được sáp nhập về TP. Thái Nguyên, có những giấy tờ sẽ lưu giữ mãi mãi, nhưng cũng có loại phải xin cấp lại. Nghĩ đến đó, chúng tôi không khỏi nao lòng…
Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Cơ vừa lục trong đống giấy tờ cũ tìm giấy khai sinh của các con. Được cấp từ mấy chục năm trước, giờ trong tấm giấy khai sinh ấy vẫn có tên địa danh huyện Đồng Hỷ như một kỷ niệm còn mãi với thời gian.
Cùng chung tâm trạng bâng khuâng, không ít người dân xã Sơn Cẩm cảm thấy bùi ngùi khi không còn là công dân của huyện miền núi Phú Lương nữa. Ông Trần Trọng Biên, xóm Cao Sơn 2, nói: Chỉ sau một đêm, người dân trong xã bỗng thành người phố thị. Cảm giác ấy thật không dễ quen, nhất là khi đi làm các thủ tục giấy tờ, chúng tôi phải viết đi viết lại tờ khai mấy lần vì quen tay viết nhầm thành xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương…
Còn vô vàn những kỷ niệm đáng nhớ khác nhưng điều khiến nhiều người dân ở các xã, thị trấn mới được điều chỉnh địa giới hành chính về TP. Thái Nguyên nhớ nhất là khi họ có các thủ tục giấy tờ cần giải quyết ở trên thành phố. Ông Nguyễn Văn Mạnh, xóm Đồng Tâm, xã Đồng Liên, cho hay: Thời điểm mới điều chỉnh địa giới hành chính, mỗi khi cần làm giấy tờ thuộc thẩm quyền cấp thành phố, như một thói quen, tôi lại đi ra trụ sở UBND huyện Phú Bình. Khi chìa giấy tờ ra, được cán bộ thụ lý hồ sơ nhắc nhở, tôi mới nhớ ra giờ mình đã là người thành thị. Vậy là tôi lại quay ngược xe về nhà ăn cơm rồi chiều mới lên thành phố nộp hồ sơ giấy tờ…
Trong mỗi câu chuyện của người dân đều chất chứa những kỷ niệm. Thật không dễ để rời xa những thứ đã gắn bó với mình mấy chục năm trời. Dẫu vậy, thời gian chính là “phương thuốc màu nhiệm” nhất giúp con người ta dần làm quen với những điều mới mẻ.
Niềm vui ngày mới
Sau những hoài niệm là nhiều câu chuyện vui. Điều khiến những người dân vùng mới sáp nhập vui nhất chính là việc đi lại để giải quyết các thủ tục hành chính thuận tiện hơn trước rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Phương, xã Sơn Cẩm, chia sẻ: Trước đây, chúng tôi phải đi gần 20km để lên trụ sở UBND huyện Phú Lương làm các thủ tục giấy tờ, thì nay chỉ đi khoảng 7km là đến bộ phận một cửa của UBND TP. Thái Nguyên. Nhờ đó đã giảm được thời gian đi lại, chờ đợi.
Còn ông Nguyễn Văn Cơ, xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, thì cho rằng: Việc đi học của con trẻ cũng thuận tiện hơn. Từ ngày sáp nhập về TP. Thái Nguyên, khi học hết bậc THCS, lũ trẻ trong xã tha hồ lựa chọn các trường THPT để thi vào chứ không như trước đây chủ yếu là đăng ký thi vào trường THPT huyện Đồng Hỷ. Với những cháu không đủ điểm đỗ vào trường huyện có khi phải chuyển sang học trường nghề chứ không có cơ hội học cấp ba để thực hiện ước mơ thi đỗ đại học. Con đường đi học của lũ trẻ cũng gần hơn trước. Chỉ cần vượt qua cầu treo Bến Oánh, lũ trẻ có thể đến Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, hoặc cách đó không xa là các trường THPT Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ…
Vườn nho Hạ Đen của gia đình anh Dương Văn Bằng, ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên). Ảnh: C.T.V
Không chỉ thuận lợi cho việc giải quyết các thủ tục hành chính, chuyện học hành của con trẻ, từ ngày sáp nhập về thành phố, nhiều địa phương đã được đầu tư mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Những địa phương có lợi thế trong phát triển nông nghiệp được đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Đơn cử như xã Huống Thượng được định hướng và đầu tư phát triển vùng trồng hoa chuyên canh; xã Linh Sơn phát triển vùng trồng cây ăn quả, trong đó tập trung nâng cao giá trị cây ổi; xã Đồng Liên phát triển cánh đồng lúa, hoa màu theo mô hình mẫu lớn…
Đáng mừng nữa là từ khi được điều chỉnh địa giới hành chính về TP. Thái Nguyên, kết cấu hạ tầng ở các xã Sơn Cẩm, Đồng Liên, Linh Sơn, Huống Thượng và thị trấn Chùa Hang được quan tâm đầu tư khá mạnh. Trong 5 năm qua, hàng trăm công trình lớn nhỏ (như trạm y tế, trường học, đường giao thông…) đã được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả rất tích cực.
Có thể nói, sự đổi thay nào cũng có chút vấn vương, nhưng không thể phủ nhận việc điều chỉnh địa giới hành chính về TP. Thái Nguyên đối với 5 xã, thị trấn nêu trên là một chủ trương rất đúng đắn, tạo cơ hội cho các địa phương phát triển bền vững…
Thực hiện Nghị quyết số 422 ngày 18/8/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/10/2017, 5 xã, thị trấn thuộc 3 huyện là: Sơn Cẩm (Phú Lương); Linh Sơn, Huống Thượng, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) và Đồng Liên (Phú Bình) được điều chỉnh địa giới hành chính về TP. Thái Nguyên.