Theo đó, từ ngày 28-9 đến 7 giờ ngày 30-9 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; tổng lượng mưa phổ biến 120-170mm. Mực nước trên sông Yên tại trạm thủy văn Chuối lúc 7 giờ ngày 30-9 là 3,05m, chỉ còn dưới mức Báo động III 45cm.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tiếp tục triển khai việc tuần tra canh gác đê, hộ đê theo các cấp báo động; tổ chức kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các trọng điểm đê điều xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn; chủ động triển khai phương án sơ tán dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân sinh sống ở vùng bãi sông; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu.
Theo báo cáo nhanh đến 9 giờ ngày 30-9 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 326 hồ chứa đã đầy nước; 284 hồ có mực nước trong lòng hồ thấp hơn mực nước dâng bình thường.
Ban quản lý các hồ: Sông Mực huyện Như Thanh, Yên Mỹ huyện Nông Cống, Đồng Chùa thị xã Nghi Sơn đang vận hành xả lũ. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Chu đã vận hành 14 trạm bơm, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bắc Sông Mã vận hành 15 trạm bơm tiêu thoát nước, bảo vệ cây trồng, khu dân cư.
Các xã Xuân Thái, Thanh Tân ở huyện Như Thanh đã sơ tán 8 hộ dân đến nơi an toàn. Tại các huyện miền núi Như Thanh, Thường Xuân có hơn 9ha lúa, 6 ao nuôi cá bị ngập; 30m kênh mương bị sạt lở; hư hỏng 1 cống qua đường liên xã.
Hiện còn 12 đường tràn trên các tuyến tỉnh lộ thuộc huyện: Như Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành, Nông Cống, Lang Chánh, Bá Thước ngập nước, gây tắc đường.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành liên quan, các doanh nghiệp quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, giao thông ở Thanh Hóa đã và đang tập trung chỉ đạo, điều hành ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.