Cập nhật: Chủ nhật 02/10/2022 - 18:55
Cô Tạ Thị Vĩnh Hà luôn được các học trò yêu quý.
Cô Tạ Thị Vĩnh Hà luôn được các học trò yêu quý.

"Không có học sinh nào hư trong mắt cô". Đó là tâm sự của nhiều học sinh và cha mẹ học sinh về cô giáo Tạ Thị Vĩnh Hà, giáo viên Trường THCS Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy.

Bởi trong suốt sự nghiệp “trồng người” của mình, cô Hà không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy môn Toán mà còn tự nguyện “kiêm” dạy đạo đức, nếp sống văn minh, thanh lịch, phép tắc ứng xử và uốn nắn các học sinh chưa ngoan nên người.

“Em V, học sinh lớp 6, bố mẹ ly hôn, hoàn cảnh khó khăn”. “Em M, ở với bà già yếu, sức học chưa tốt”. “Em H, chú ý điều chỉnh tác phong, cách ứng xử”.

Đó là những dòng lưu ý về các học trò mà cô Hà viết trong một cuốn sổ được cô gọi là “nhật ký bí mật”. Nhờ có cuốn sổ này, cô Hà có thể nhớ được đặc điểm, gia cảnh của học sinh mình đang dạy, để từ đó có sự quan tâm, giúp đỡ, thậm chí có biện pháp giáo dục, uốn nắn các em khi cần thiết.

Trước khi về giảng dạy ở Trường THCS Nam Trung Yên, cô Hà từng công tác tại Trường THCS Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Nhớ lại ngày mới về trường, cô được giao chủ nhiệm một lớp có một số học sinh được đánh giá còn chưa thực sự ngoan, chưa có ý thức học tập.

Quả nhiên khi cô đứng lên bục giảng, nhiều trò nam quậy phá, trò nữ lấy son phấn ra trang điểm. Các em còn có nhiều câu nói không chuẩn mực. Không nản lòng, cô Hà quyết tâm cảm hóa, giúp các em trở lại là những học sinh ngoan. Cô hiểu rằng, thay cho những lời trách mắng, yêu thương chính là liều thuốc giúp học sinh của mình tiến bộ. Cuốn “nhật ký bí mật” của cô cũng ra đời từ những ngày cô trăn trở ấy.

Đến nay, đi gần hết quãng đời dạy học, cô Hà đã giúp nhiều học sinh trưởng thành, nên người. Trường THCS Nam Trung Yên hiện cũng đã khẳng định được chất lượng giáo dục trên địa bàn quận. Nhiều em học sinh được gia đình quan tâm hơn, khi đến trường, các em đều có ý thức học tập, nghe lời thầy, cô giáo. Song, không vì thế mà cô bỏ thói quen luôn theo sát học trò của mình.

Dù là giáo viên Toán nhưng trong các tiết dạy trên lớp hay trong các giờ hoạt động ngoại khóa, cô luôn lồng ghép bài học dạy học sinh về nếp sinh hoạt, ứng xử sao cho phải phép. Cô thường nói với các học sinh: Chúng ta là những công dân của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, vì vậy hãy ứng xử thanh lịch, văn minh vì “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Cô Hà tâm sự, việc cảm hóa, uốn nắn học sinh không thể một sớm một chiều mà cần thời gian, mưa dầm thấm lâu. Đặc biệt là rất cần sự hợp tác, nêu gương của cha mẹ học sinh. Cô nhớ trước đây, có học sinh thường hay văng tục, đánh nhau, có em ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm. Khi tìm hiểu, cô thấy ngay cả bố mẹ các em học sinh đó cũng còn nói tục, chửi bậy, chưa chấp hành Luật An toàn giao thông. Những lúc đó, cô lại giải thích với học sinh rằng người lớn không phải bao giờ cũng đúng. Các em là thế hệ trẻ, khi thấy người lớn còn sai sót thì có thể góp ý nhưng các em không nên học theo cái sai. Các em được dạy điều hay, lẽ phải thì hãy luôn làm theo điều hay, lẽ phải.


Theo qdnd.vn