Chưa đầy 1 tháng nữa, đàn gà Ri lai hơn 2.100 con của gia đình chị Trần Thị Huyền, ở xóm Bầu 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương), sẽ đến kỳ xuất bán. Vì thế, chị Huyền càng chú trọng hơn đến công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ “thành quả” chăn nuôi.
Trao đổi cùng chúng tôi, chị Huyền chia sẻ: Thời điểm giao mùa, gà dễ mắc các bệnh như: Cúm, Ecoli, Thương hàn… Do vậy, nhà tôi đã tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ để đàn gà có miễn dịch. Ngoài ra, hằng tuần, tôi đều tiến hành phun khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại.
Nói về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, ông Ma Tiến Kốp, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết: Những tháng cuối năm, thời tiết trở lạnh, sức đề kháng của vật nuôi kém. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch, như: Tiêm phòng đầy đủ vắc-xin; thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại; bổ sung chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Đặc biệt, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân không mua bán gia súc, gia cầm mắc bệnh, không giết mổ vật nuôi bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không giấu dịch, không vứt xác vật nuôi ra môi trường...
Tìm hiểu chúng tôi được biết, không riêng huyện Phú Lương, các địa phương khác trong tỉnh cũng đang triển khai các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Cụ thể, các huyện, thành phố đang tiến hành tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh đợt 2 trên đàn gia súc, gia cầm.
Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản cũng phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại hộ chăn nuôi, ở chợ, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm, nơi có ổ dịch cũ. Lực lượng chức năng cũng tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.
Hiện nay, quy mô đàn gia súc toàn tỉnh có hơn 644,3 nghìn con và đàn gia cầm 14,8 triệu con. Trong 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 ổ dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi, bao gồm 1 ổ dịch tả lợn châu Phi ở TP. Sông Công; 1 ổ dịch lở mồm long móng gia súc và 1 ổ dịch tai xanh trên lợn xảy ra tại huyện Võ Nhai. Tại các ổ dịch, vùng nguy cơ lây nhiễm, ngành chức năng đã chỉ đạo, triển khai đến hộ chăn nuôi chủ động lấy mẫu xác minh dịch bệnh; cách ly, điều trị và thực hiện khử trùng.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đến nay, mặc dù dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát. Bởi, tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh còn cao, chiếm trên 60%; việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế. Chính vì vậy, trong thời điểm giao mùa, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được người dân đặc biệt quan tâm.
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, để công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin phòng các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, các hộ chăn nuôi được khuyến cáo nên áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm các quy trình phòng, chống dịch bệnh. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc bệnh, bà con phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.