Ông Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 75.000 hội viên CCB. Trên các lĩnh vực xã hội, đội ngũ CCB luôn tiên phong, gương mẫu, khẳng định vai trò của mình thông qua các hoạt động phát triển kinh tế, xóa giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Những năm gần đây, đại dịch COVID-19 có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh, những CCB cũng không nằm ngoài "guồng quay" đó. Không “chùn bước”, đội ngũ CCB coi đó như một thử thách của mặt trận mới. Để “giữ vững đội hình”, đồng thuận, quyết chí vượt lên, Hội CCB các cấp tăng cường hoạt động tuyên truyền, củng cố vững chắc niềm tin của hội viên vào các chủ trương đổi mới của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; vận động hội viên phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lan tỏa sâu rộng phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” trên toàn tỉnh.
Theo báo cáo từ các cơ sở hội: Thái Nguyên hiện có tổng số 186 doanh nghiệp nhỏ và vừa do CCB làm chủ; 39 hợp tác xã, 47 tổ hợp tác sản xuất, 231 trang trại, 744 gia trại và hơn 2.000 hộ kinh doanh dịch vụ của CCB. Các mô hình kinh tế CCB đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 20.000 lao động địa phương.
Đến nay, toàn Hội có 9 chi hội Doanh nhân CCB và Hiệp Hội Doanh nhân CCB hoạt động có hiệu quả. Các doanh nhân CCB thể hiện rõ bản lĩnh kiên cường, không cam chịu khó nghèo, luôn sáng tạo, linh hoạt khắc phục khó khăn, đầu tầu gương mẫu trên mặt trận phát triển kinh tế.
Từ đầu tư chăn nuôi lợn, gà và trồng cây ăn quả, gia đình CCB Lê Quang Hưởng, xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai) thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm.
Minh chứng là trong hơn 2 năm đại dịch COVID-19 diễn biến phúc tạp, hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, nhưng nhiều doanh nhân CCB vẫn bám trụ, điều hành doanh nghiệp đi đến thành công. Tổng kết năm 2021, trên toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp do CCB làm chủ đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm; 5 hợp tác xã do CCB làm chủ đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm.
5 năm gần đây (2016-2021), phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” từng bước trở thành động lực khuyến khích các CCB chịu khó học hỏi, tự lực vươn lên khắc phục khó khăn, mạnh dạn đầu tư, hăng hái đi đầu trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều CCB còn nghiên cứu, nắm bắt thị trường, mở mang dịch vụ thương mại, mở rộng ngành nghề sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Ông Nguyễn Trung, Trưởng Ban Kinh tế (Hội CCB tỉnh), cho hay: Từ phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểum như: CCB Nguyễn Đức Cổn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Cường Thịnh, đạt doanh thu trên 25 tỷ đồng/năm; CCB Nguyễn Minh Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim khí Nam Ninh Thái Nguyên đạt doanh thu trên 70 tỷ đồng/năm; CCB Nguyễn Thành Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Nguyễn Quốc; CCB Hà Như Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Thương mại Nhân Đức (TP. Thái Nguyên)... Các doanh nghiệp CCB đều có đóng góp tích cực trong công tác an sinh xã hội của tỉnh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ, đóng góp hàng tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách Nhà nước và tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ những cảnh đời thiếu khó.
Trong phát triển kinh tế, tổ chức Hội luôn đồng hành cùng CCB thông qua việc chủ động phối hợp với các ban, ngành, cơ quan chức năng Nhà nước tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến, đào tạo nghề, tập huấn nâng cao kỹ năng sử dụng vốn đầu tư, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế hộ; ứng dụng công nghệ vào sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm và kỹ năng quảng bá, bán hàng trên sàn thương mại điện tử...
Để tạo điều kiện về vốn cho CCB đầu tư phát triển kinh tế, Hội phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn làm thủ tục cho gần 20.000 lượt hội viên vay, với tổng số tiền được giải ngân gần 877 tỷ đồng. Nhờ có tiền vốn đầu tư đúng lúc, nhiều gia đình CCB đã có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng. Với gia đình CCB nghèo, cận nghèo, các cấp hội còn phân công những CCB có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, trực tiếp tham gia hỗ trợ, giúp đỡ. Đồng thời hỗ trợ nhân lực, vật lực, tạo sức bật cho CCB nghèo, cận nghèo vươn lên, có cuộc sống ổn định.
Trong thời gian 5 năm trở lại đây, Hội CCB các cấp đã huy động hội viên ủng hộ hơn 16,7 tỷ đồng cho các loại quỹ; vận động các mạnh thường quân tài trợ và hội viên đóng góp được gần 8 tỷ đồng hỗ trợ cho 240 CCB làm nhà mới và sửa chữa nhà ở. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 669 gia đình CCB nghèo; gần 1.400 gia đình CCB cận nghèo. Con số gia đình CCB có mức sống trung bình đạt hơn 54.000 hộ, gia đình CCB khá giàu là hơn 17.200 hộ. Thái Nguyên hiện không còn gia đình CCB ở nhà tạm.
Cùng chăm lo phát triển kinh tế, hội viên CCB trong toàn tỉnh còn tích cực tham gia phong trào: Xây dựng đời sống văn hóa; bảo vệ an ninh trật tự; bảo vệ môi trường… đặc biệt là tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2018 đến nay, Hội vận động khoảng 2.300 gia đình CCB hiến gần 200.000m2 đất, đóng góp 150.000 ngày công lao động, góp phần cùng với địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới...