Theo chân cán bộ xã Hợp Tiến, chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất tăm, chân hương của gia đình ông Dầu. Ngay từ cổng vào, chúng tôi đã bắt gặp những người lao động đang hăng say vận chuyển nguyên vật liệu vào xưởng để sản xuất, cùng với đó là những âm thanh vọng ra từ máy móc đang chạy liên tục.
Khoác trên mình bộ trang phục của đồng bào Dao, ông Dầu đang cặm cụi sửa chiếc máy vót tăm. Thấy chúng tôi, ông Dầu cười và nói: Tôi đang định lên nhà văn hóa xã để cùng anh em tổng duyệt buổi cuối tiết mục Lễ cấp sắc trước khi tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II tại Thái Nguyên, nhưng có một máy vót bị trục trặc, vì thế tôi phải sửa xong mới đi được.
Trong câu chuyện với ông Dầu, chúng tôi được biết, từ năm 2011 trở về trước, kinh tế của gia đình ông chủ yếu phụ thuộc vào 1,6 mẫu lúa và 5ha đất rừng sản xuất. Để có thêm thu nhập, những lúc nông nhàn, ông lại cùng với anh em trong xã đi chặt cây tre phấn (cây dùng) thuê để kiếm thêm thu nhập. Đây cũng là cơ duyên dẫn ông đến với nghề sản xuất tăm, chân hương từ cây dùng.
Ông Dầu nhớ lại: Trong thời gian đi khai thác cây dùng, tôi nhận thấy nguyên liệu của người dân bị các xưởng ép giá, thu mua với giá rất rẻ, trong khi đó, các sản phẩm làm ra chênh lệch lớn. Vì thế, tôi đã tìm hiểu kỹ chuỗi cung - cầu và cân đối chi phí... Năm 2012, tôi cùng với anh em trong gia đình góp vốn hơn 1 tỷ đồng để mở xưởng sản xuất tăm, chân hương.
Nhờ nguồn nguyên liệu luôn dồi dào ngay tại địa phương cùng đầu ra ổn định nên việc kinh doanh của ông Dầu và người thân gặp nhiều thuận lợi. Sau 6 năm tích góp vốn, năm 2018, ông Dầu quyết định mở xưởng sản xuất riêng.
Hiện nay, xưởng của ông có nhiều loại máy sản xuất như máy cắt, máy vót, máy tách... Trung bình mỗi ngày, xưởng sản xuất được 3 tạ tăm, còn nếu sản xuất chân hương thì được 5 tạ. Khách hàng của ông Dầu chủ yếu ở TP. Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang...
Hằng năm, sau khi trừ tất cả chi phí, cơ sở sản xuất tăm, chân hương đem về cho ông Dầu thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Không những thế, cơ sở sản xuất của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng, tùy vị trí làm việc.
Chị Đặng Thị Phương, một trong số nhiều người lao động gắn bó với cơ sở sản xuất của ông Dầu từ những ngày đầu, chia sẻ: Tôi xin vào đây làm việc từ năm 2012. Công việc hằng ngày của tôi là vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, thu nhập mỗi tháng được gần 8 triệu đồng.
Ngoài nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, ông Dầu còn tích cực tham gia các chương trình do xóm, xã tổ chức, nhất là hoạt động bản tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Dao. Ông là một trong những thành viên cốt cán trong hoạt động văn nghệ, sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Dao Lô Gang ở Hợp Tiến.
Ông Trần Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, nhận xét: Trên địa bàn xã hiện có gần 1.700 hộ với trên 7.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Dao chiếm hơn 70%. Trong những năm qua, bà con người Dao trong xã đã thi đua phát triển kinh tế, với nhiều mô hình đem lại thu nhập cao như: Trồng cây ăn quả, chăn nuôi gà, trồng rừng, chế biến lâm sản... Qua đó, đã xuất hiện nhiều triệu phú người Dao với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như ông Dầu, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và giảm nghèo tại địa phương.