Xã hội số, thế giới số - công nghệ thông tin đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới. Ở một góc độ nào đó, đường biên giới giữa các quốc gia được xóa nhòa. Khoảng cách địa lý không còn là cản trở trong hầu hết các giao dịch của mọi người trong cộng đồng xã hội, trong đó có giao dịch thương mại. Ngay như ở Thái Nguyên, người dân cũng đã quen với thuật ngữ “Thương mại điện tử”. Bằng cú nhấp chuột, người tiêu dùng trên khắp thế giới có thể nhận biết chính xác toàn bộ quá trình làm ra sản phẩm, chất lượng sản phầm mình cần. Giao dịch thành công ngay sau khi chữ tín giữa 2 bên được xác nhận.
Chữ tín có nặng ký hay không là ở tâm và tầm của mỗi doanh nhân. Ví như mỗi năm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hàng trăm doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký thành lập với cơ quan chức năng, thì đồng thời cũng có hàng trăm DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký giải thể. Đương nhiên có rất nhiều lý do dẫn đến việc DN thất bại trên thương trường, trong đó chắc chắn có lý do người đứng đầu cơ sở chưa đủ tâm và tầm nên trở thành “kẻ bại trận”.
Đại diện Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên.
Vô tâm, vô trách nhiệm, hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một vài doanh nhân từng xảy ra ở Thái Nguyên. Thậm chí, có doanh nhân lớn tiếng nạt nộ, dùng tay chân uy hiếp cán bộ chức năng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công việc kinh doanh của cơ sở. Phá sản là lẽ đương nhiên, bởi mục tiêu chính doanh nhân này hướng tới là đạt lợi nhuận bằng mọi giá. Họ sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không biết đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên mục tiêu lợi nhuận của DN.
Những cách làm vô tâm của một vài doanh nhân giống như cái gai trong xã hội, nhanh chóng bị đào thải, thậm chí rơi vào vòng lao lý. Còn lại với thương trường trong thời hội nhập là cách làm của đội ngũ doanh nhân trung thực, dám nghĩ, dám làm, dám tìm sự khác biệt để tạo ra những sản phẩm có giá trị cho xã hội. Những doanh nhân hoạt động tuân thủ pháp luật, minh bạch, rõ ràng trong liên kết hợp tác với đối tác để cùng phát triển lành mạnh. Tư duy này đã giúp nhiều doanh nhân gặt hái được thành công trên thương trường.
Trao đổi với chúng tôi, một doanh nhân có tiếng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Thời kỳ nào cũng đòi hỏi các doanh nhân làm ăn có tâm. Đó là đạo đức, là hành vi ứng xử có văn hóa của doanh nhân. Vì có tâm, doanh nhân mới tạo ra sản phẩm chất lượng đứng vững trên thương trường và mang lại lợi ích lâu dài cho DN. Còn ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn du lịch Dạ Hương cho biết: Trải qua gần 30 năm hoạt động, Công ty chúng tôi không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh. Bạn hàng trong, ngoài nước tìm đến với chúng tôi bởi cách làm trung thực, biết đặt lợi ích của khách hàng lên trên lợi ích của Công ty.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 5.000 DN đang hoạt động. Theo đó là hàng nghìn doanh nhân đã và đang trực tiếp có đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước. Các doanh nhân không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội. Hàng trăm nghìn người lao động nhờ họ mà có việc làm, cuộc sống gia đình ổn định. Cùng với các ngành, đơn vị chức năng, đội ngũ doanh nhân luôn tìm đến với những hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ. Đó cũng là cái tâm của doanh nhân.
Cái tâm xuất phát từ trái tim nồng hậu được vun bồi trong xã hội văn minh, giàu lòng nhân ái. Đã có bao ngôi nhà Đại đoàn kết được xây dựng dành cho người nghèo; bao bé thơ được phẫu thuật tim, tìm lại nụ cười, được tiếp tục cắp sách đến trường… Cả trong thiên tai, dịch bệnh, đội ngũ doanh nhân không ngần ngại xung phong lên tuyến đầu, sẻ chia tài sản, giúp các địa phương, người dân đi qua những tháng ngày gian khó.
Với doanh nhân, thành công không phải nhờ bước trên thảm đỏ, bởi mỗi ngày họ đều phải chịu tác động từ nhiều phía. Nhiều doanh nhân chia sẻ: Thị trường đội giá hoặc hạ giá đều là một thách thức với DN. Nhất là trong 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều doanh nhân lâm vào cảnh khó khăn. Nhưng cũng có nhiều doanh nhân tìm ra một cánh cửa khác để tiếp tục gặt hái thành công. Đó là những doanh nhân có năng lực dấn thân, dám làm chuyện khó. Hơn nữa, trong họ còn tiềm ẩn một năng lực lãnh đạo, dám tin dùng “người đủ giỏi” để cùng bơi trong cơ chế thị trường. Đó là doanh nhân có tầm.
Doanh nhân Vũ Đinh Cầu, Giám đốc Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ RO toàn cầu (TP. Thái Nguyên) tự tin: Cả trong thời điểm khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, Công ty vẫn duy trì được việc làm cho người lao động và phòng, chống dịch hiệu quả… Cảm phục nhường nào là trong thời điểm dịch dã căng thẳng nhất, nhiều doanh nhân vẫn chấp nhận trả lương cho người lao động, nhân đó tổ chức đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho người lao động, tạo cho họ tâm lý tin tưởng, gắn bó, làm việc hết mình, sẵn sàng hiến kế sách hay cho DN. Điều đó thể hiện doanh nhân có tâm và tầm...
Thương trường là chiến trường. Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Mặt trận không đạn bom, nhưng hết sức nghiệt ngã. Nên sau mỗi khó khăn là những bài học quý giá về nghệ thuật ứng xử đối với mỗi doanh nhân. Và, quyết định sự thành - bại đối với mỗi doanh nhân là yếu tố con người. Biết vượt lên khó khăn, tìm sự khác biệt, dám nhìn nhận xem mình đang đứng ở đâu trên thương trường; dám vượt lên chính mình để sánh vai với các doanh nhân trên thế giới, khẳng định được cái tâm, cái tầm của doanh nhân “đất Thép” Thái Nguyên.