Hai năm nay, gia đình anh Vi Văn Lê, dân tộc Mông ở xóm Quế Linh, xã Bảo Linh (Định Hoá), đã chủ động được nguồn lương thực khi anh mua hơn 1 sào ruộng từ sự hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định sô 2085/QĐ-TTg. Anh Lê cho hay: Gia đình tôi có 4 nhân khẩu nhưng lại không có ruộng cấy, phải đi mua gạo ăn hằng ngày. Năm 2020, chính quyền xã đến tuyên truyền, vận động về việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo, tôi đã tìm và mua được hơn 1 sào ruộng với số tiền 26 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng.
Những năm trước đây, huyện Định Hóa là địa phương tiêu biểu trong giải quyết đất sản xuất cho người dân. Thực hiện 2 Quyết định 755 và 2085 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện đã có 219 hộ được hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất.
Ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hoá, chia sẻ: Để giải quyết vấn đề đất sản xuất, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chức năng và các xã tổ chức rà soát các hộ DTTS nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất sản xuất để tuyên truyền, vận động các hộ dân tự tìm mua đất; sau đó địa phương kiểm tra và báo cáo huyện để có phương án hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân mua được đất sản xuất.
Nói đến việc mua đất sản xuất (đất cấy lúa) không thể không nhắc đến xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ). Xóm nằm cách trung xã gần 10km, có 135 hộ dân với 600 nhân khẩu, 100% là đồng bào DTTS, trong đó 90% là người Mông. Đồng bào Mông nơi đây chủ yếu di cư từ tỉnh Cao Bằng về trước những năm 1980. Do đó, đất sản xuất của bà con chủ yếu là nương trồng ngô, còn đất cấy lúa cả xóm chỉ có hơn 2ha. Để khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, đồng bào Mông đã đi mượn ruộng ở các xóm lân cận như Hồng Phong, Làng Giếng, Đồng Mây để cấy.
Sau một thời gian đi mượn ruộng thì cả xóm đã có 20 hộ gia đình mua được ruộng. Nhà không có điều kiện thì mua 1-2 sào, nhà có điều kiện hơn thì mua cả mẫu. Đơn cử như gia đình Trưởng xóm Lân Quan Trần Văn Hồ mua được 1,2 mẫu. Ông Hồ cho biết: Cũng nhờ mua được ruộng mà nhiều hộ trong xóm đã cơ bản giải quyết được vấn đề lương thực hằng ngày, có điều kiện tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xóm chiếm gần 100% thì đến nay giảm được trên 20%.
Ông Lăng Viết Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long, cho biết: Trên địa bàn xã hiện nay nhiều hộ dân do không có lao động nên cho mượn ruộng hoặc bán ruộng. Nắm bắt được điều này, nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo tại các xóm Lân Quan, Mỏ Ba đã dành dụm, vay mượn tiền để mua. Mặc dù thời gian vừa qua đã có những chính sách nhằm hỗ trợ đất sản xuất cho bà con nhưng do một số nguyên nhân mà người dân chưa tiếp cận được. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các ngành chức năng của huyện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giấy tờ để bà con có đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Bà con đồng bào Mông tại xã Cúc Đường (Võ Nhai) mong muốn được hỗ trợ đất sản xuất.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đất sản xuất để giúp đồng bào DTTS có đất canh tác, vươn lên thoát nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một chương trình lớn. Chương trình có 10 dự án lớn, trong đó có việc hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho những hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở những xã đặc biệt khó khăn...
Ông Lê Kim Phúc, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Ban Dân tộc tỉnh cùng các ngành có liên quan, các địa phương đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính chủ động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý, cơ chế phối hợp và giám sát, đánh giá quá trình thực hiện Chương trình; tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát... Nhằm sớm đưa Chương trình đi vào cuộc sống.