Từ chiều 9-10 đến sáng 11-10, miền Trung có mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa đo được tại các trạm khí tượng thủy văn trong khu vực phổ biến từ 300-500mm. Tại Quảng Ngãi, một số trạm có lượng mưa lớn như: Trà Hiệp: 653mm, Trà Thanh: 667mm, Trà Nham: 601mm, Sơn Kỳ: 591mm. Tại Quảng Nam một số nơi mưa lớn như: Tam Lãnh 580,8mm; Tam Trà 530,8mm; Đại Hiệp 515,8mm; Đầu mối hồ Thạch Bàn 511,6mm; Duy Phú 503,6mm…
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề
Mưa lớn kéo dài làm nước sông dâng cao, gây ngập lụt ven biển và làm sạt lở đất tại khu vực miền núi. Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa lũ gây sạt lở núi tại huyện miền núi Trà Bồng vùi lấp Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1 làm 1 kỹ sư mất tích. Sau sự cố, trong đêm 10 và ngày 11-10, tỉnh Quảng Ngãi huy động nhiều lực lượng, phương tiện khẩn trương san ủi đất đá vùi lấp, tiếp cận hiện trường, tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho biết, vụ sạt lở núi Kà Tinh (thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm) xảy ra tối 10-10. Đợt lở núi đầu tiên kéo theo khối lượng lớn đất đá đổ ập vùi lấp cầu Kà Tinh nằm trên tỉnh lộ 622 từ Trà Bồng đi Trà Phong.
Khoảng hơn 1 giờ đồng hồ sau, lở núi tiếp tục diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn. Hàng chục nghìn khối đất, đá tràn vào khu vực Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1 nằm gần đó chừng vài chục mét, gây hư hỏng nặng trạm điều hành máy phát điện. Thời điểm này, 1 kỹ sư đang có mặt để kiểm tra lần cuối trước khi rời khỏi nhà máy về nhà điều hành bị mất tích. Ngoài ra, sạt lở núi Kà Tinh khiến tuyến đường huyết mạch tỉnh lộ 622B bị ách tắc hoàn toàn, hàng chục nghìn người ở khu Tây huyện Trà Bồng bị cô lập.
"Ngay trong đêm tối, lãnh đạo huyện Trà Bồng và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền lập tức có mặt tại hiện trường chỉ huy các lực lượng khắc phục sự cố và tìm kiếm người mất tích, song do buổi tối, trời mưa lớn, nguy cơ sạt lở vẫn tiếp tục cho nên mãi đến khuya vẫn không thể tiếp cận khu vực đất đá vùi lấp nhà máy", ông Hoàng Anh Ngọc cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, tại hiện trường khu vực Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1 do Công ty cổ phần thủy điện Trà Bồng làm chủ đầu tư, công suất 7MW, đưa vào hoạt động năm 2020, tan hoang sau vụ sạt lở núi. Trạm điều hành máy phát điện thủy điện Kà Tinh 1 nằm bên mép suối bị sập đổ, hư hỏng nặng. Một mảng vách núi Kà Tinh với khối lượng đất đá khá lớn đổ xuống, bùn đất nhão nhoẹt cộng với mưa lớn khiến công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
Tại Quảng Nam, mưa rất to, kéo dài đã làm cho nước sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ… dâng cao; nhiều nơi vọt lên trên mức báo động 3 làm nhiều khu dân cư bị nhấn chìm, gây ách tắc giao thông. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, mưa to kéo dài đã làm nước sông dâng cao, làm cho những vùng trũng thấp ở Hội An, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành… ngập lụt, ách tắc giao thông.
Đêm 10-10, lực lượng chức năng thành phố Tam Kỳ phải tổ chức di dời khẩn cấp gần 100 người dân ở phường An Sơn bị nước lũ cô lập đến nơi an toàn. Huyện Nông Sơn cũng sơ tán 219 hộ (với 420 khẩu) ra khỏi vùng nguy cơ ngập lụt. Trước đó, huyện Bắc Trà My đã sơ tán 426 hộ (với 1.484 khẩu) đến nơi an toàn để tránh ngập lụt và sạt lở đất. Để ứng phó đợt mưa lớn, các địa phương đã chủ động di dời sơ tán 1.237 hộ, với 4.276 nhân khẩu.
Mưa lớn kéo dài đã làm nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị ngập nước từ 0,4 đến 1,2m, có nơi như ở huyện Nông Sơn ngập sâu đến 3m. Sáng 11-10, nước lũ tràn qua quốc lộ 1A, từ Km985 đến Km989, đoạn qua xã Tam An (huyện Phú Ninh). Để bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Nam đã tổ chức trực hai đầu điểm ngập để phân luồng, hướng dẫn phương tiện tạm dừng lưu thông qua đoạn đường này.
Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Núi Thành, khoảng 18 giờ ngày 10-10, cô giáo Lương Thị Mỹ L. (sinh năm 1985, ở thôn Trung Lương, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) đi xe máy, chở theo con gái, trên đường đi từ nhà riêng đến nhà mẹ ruột đã bị dòng nước lũ cuốn trôi. Sau đó, con gái cô L. may mắn được người dân phát hiện và cứu vớt kịp thời; còn cô L. bị nước cuốn tử vong.
Cũng trong chiều 10-10, khi phát hiện một học sinh bị nước cuốn trôi ở khu vực khối phố Đông Trà (phường Hòa Thuận, Tam Kỳ), ông Đoàn Văn H. (sinh năm 1968, trú khối phố Đông Trà) đã nhảy xuống nước ứng cứu, nhưng ông H. không may mất tích trong cơn lũ dữ. May mắn, học sinh bị cuốn trôi đã được người dân tìm thấy, cứu sống. Đến nay, thi thể 2 nạn nhân đã được tìm thấy và giao gia đình mai táng. Trước đó, chiều 9-10, chị Hồ Thị D. (sinh năm 1994), trú làng Tak Leng, thôn 1, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) trên đường đi làm khi lội qua sông Na bị nước cuốn mất tích. Hiện chính quyền địa phương ở huyện Nam Trà My đã huy động lực lượng tiếp tục tìm kiếm chị D...
Thủy điện Sông Bung 4 vận hành giảm lũ với lưu lượng khoảng 210m3/s.
Tập trung lực lượng khắc phục
Sáng 11-10, tại hiện trường sạt lở núi vùi lấp thủy điện Kà Tinh 1, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, vụ sạt lở núi xảy ra là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, đây là trường hợp bất khả kháng cho dù chính quyền địa phương và chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1 đã tuân thủ chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng, chống mưa lũ, sạt lở núi.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời của huyện Trà Bồng và tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư khi đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường ngay trong đêm để triển khai các phương án ứng phó với mục tiêu bảo đảm an toàn là trên hết, đồng thời nhấn mạnh: "Nhiệm vụ cấp bách của lực lượng cứu hộ, cứu nạn là tìm kiếm nạn nhân mất tích với tinh thần khẩn trương nhất, song không vì khắc phục hậu quả mà để xảy ra hậu quả lớn hơn.
Do vậy, việc khẩn trương xử lý sạt lở núi và tìm kiếm nạn nhân mất tích tại khu vực Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1 phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các lực lượng tham gia". Huyện Trà Bồng cần khẩn trương khảo sát các vị trí có nguy cơ sạt lở ở các tuyến đường trên địa bàn huyện để có cảnh báo kịp thời cho người và phương tiện qua lại, tổ chức di dời các hộ dân sống ven chân núi đến nơi ở an toàn, bởi lẽ tình trạng sạt lở núi diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.
Không chỉ địa phương mà các doanh nghiệp có công trình ở huyện miền núi, nhất là chủ đầu tư các công trình thủy điện, cần chú ý công tác phòng, chống sạt lở núi, kịp thời di dời công nhân ra khỏi phạm vi có nguy cơ sạt lở để bảo đảm an toàn tính mạng.
Dưới trời mưa nặng hạt, các lực lượng của huyện Trà Bồng cùng sự hỗ trợ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Công an tỉnh Quảng Ngãi, khắc phục mọi khó khăn trở ngại, làm việc không ngơi nghỉ, dốc toàn lực giải phóng khối lượng đất đá vùi lấp, mở đường vào hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Đến 16 giờ 30 phút ngày 11-10, khi phương tiện cơ giới bắt đầu tiếp cận Trạm điều hành máy phát điện thủy điện Kà Tinh 1, mọi ánh mắt đều đổ dồn về khu vực nạn nhân mất tích với hy vọng mong manh. Khoảng 19 giờ, công tác tìm kiếm tạm dừng do trời tối, địa hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam Văn Anh Tuấn cho biết, mưa lũ kéo dài làm đường Trường Sơn Đông bị sạt lở ta-luy dương tại Km29+450, Km76+600; tuyến quốc lộ 24C cũng bị sạt lở tại Km89+450 đoạn qua xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My… Trong ngày 11-10, Sở Giao thông vận tải Quảng Nam cùng các địa phương huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục các điểm sạt lở trên 2 tuyến đường này. Hiện tại, các hồ thủy điện tại Quảng Nam như: Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4, Đak Mi 4 đã vận hành giảm lũ cho hạ du, với lưu lượng xả từ 50m3/s-230m3/s.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, lũ trên thượng lưu sông Vu Gia-Thu Bồn (Quảng Nam), hạ lưu các sông ở Quảng Ngãi đã đạt đỉnh và đang xuống, riêng sông Vệ (Quảng Ngãi) đang dao động ở mức cao; hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn và các sông ở Bình Định, Kon Tum và sông Bồ (Thừa Thiên Huế) đang lên; sông Hương (Thừa Thiên Huế) dao động ở trên mức báo động.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi, ven sông và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định và Kon Tum. Do vậy, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các khu vực trên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.