Cập nhật: Thứ năm 13/10/2022 - 07:53
Cửa hàng bày bán sản phẩm an toàn theo chuỗi liên kết của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tại TP. Sông Công.
Cửa hàng bày bán sản phẩm an toàn theo chuỗi liên kết của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tại TP. Sông Công.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi, từ sản xuất chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, giúp người tiêu dùng được tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, mà còn góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của bà con.

Nuôi đàn gà với quy mô 10 nghìn con/lứa nhưng anh Lương Văn Long, ở xóm Quyên, xã Phú Xuyên (Đại Từ) không phải lo lắng về chi phí con giống, thức ăn cũng như đầu ra cho sản phẩm như nhiều hộ chăn nuôi khác. Bởi, gia đình anh đã liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nên các loại vật tư đều được doanh nghiệp này cung ứng.

Ngoài ra, anh Long còn được hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật phòng, điều trị bệnh cho gà. Sau gần 4 tháng chăm sóc, đến khi xuất bán, đàn gà được Công ty thu mua theo hợp đồng, gia đình anh Long thu về hơn 80 triệu đồng/lứa.

Anh Long chia sẻ: Từ khi liên kết với Công ty, chúng tôi đã tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Ví dụ như trước đây, tôi chưa chú ý đến khâu phòng dịch, chỉ đến khi nào vật nuôi mắc bệnh mới mua thuốc về điều trị. Còn khi chăn nuôi liên kết với Công ty, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh được thực hiện đầy đủ, thức ăn cho vật nuôi cũng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng. Do có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ con giống, nguồn thức ăn cũng như tiêm phòng dịch bệnh nên đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Không riêng gia đình anh Long, toàn tỉnh hiện có hàng trăm hộ đang chăn nuôi theo mô hình chuỗi liên kết với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang liên kết hiệu quả với nông dân có thể kể đến như: Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Emivest, Công ty Vinatuco Việt Nam…

Khi tham gia vào chuỗi liên kết, bà con được được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nên giảm được chi phí ban đầu; sản phẩm cũng được tiêu thụ với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro. Về phía doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, đảm bảo chất lượng.

Trang trại chăn nuôi gia cầm liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam của gia đình anh Lương Văn Long, ở xã Phú Xuyên (Đại Từ).

Ông Nguyễn Phụ Hải, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên, cho biết: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Công ty đang liên kết với 22 hộ chăn nuôi lợn, quy mô 23 nghìn con và 25 hộ chăn nuôi gà, vịt với quy mô hơn 3,5 triệu con. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, từ nguồn thức ăn, con giống, kỹ thuật chăn nuôi trang trại, đảm bảo đáp ứng được những yêu cầu về môi trường; đồng thời, hỗ trợ người chăn nuôi về kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm. Không chỉ nuôi theo quy trình khép kín, các sản phẩm thịt lợn, thịt gà của Công ty đều được chế biến tại khu giết mổ tập trung, đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Ngoài cung cấp thịt gà, thịt lợn cho các chi nhánh trực thuộc Công ty, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi cũng có 2 cửa hàng bày bán thực phẩm an toàn tại TP. Thái Nguyên và TP. Sông Công.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 60 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi hoạt động sản xuất theo chuỗi từ tổ chức sản xuất đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, có 416 trang trại (326 trại chăn nuôi gia cầm, 90 chăn nuôi trại lợn) liên kết theo chuỗi với 13 công ty, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Nhờ xây dựng chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản, phân phối nên sản phẩm cung cấp ra thị trường có chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Qua đó, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, việc phát triển các chuỗi chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn một số khó khăn, hạn chế, như: vốn đầu tư đầu tư các loại máy móc (máy phát điện dự phòng, nâng cấp đường dây điện...), xây dựng chuồng trại bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, chi phí lớn nên nhiều hộ dân không có khả năng thực hiện; một số chuỗi do mới liên kết, chưa xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm nên người tiêu dùng chưa thực sự yên tâm về nguồn gốc xuất xứ...

Để tháo gỡ khó khăn và phát huy hiệu quả của các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu cho tỉnh các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, vay vốn tín dụng, tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi xây dựng trang trại chăn nuôi theo hướng khép kín. Cùng với đó, đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm kết hợp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm.

Theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản: Thời gian tới, Chi cục tiếp tục khuyến khích phát triển hình thức sản xuất liên kết chuỗi tại các địa phương trọng điểm, như: Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, TP. Phổ Yên, TP. Sông Công và TP. Thái Nguyên; phấn đấu có 65% trang trại chăn nuôi tập trung sản xuất liên kết chuỗi và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Chi cục cũng sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến sâu sản phẩm để bảo đảm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.

 

Lương Hạnh