Các nghiên cứu cho thấy, những người dương tính với HIV và được điều trị bằng liệu pháp hiệu quả cùng tình trạng miễn dịch tốt dường như không có nhiều nguy cơ hơn những người bình thường. Những người có hệ thống miễn dịch bị tổn hại nghiêm trọng có thể có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và bệnh nặng hơn khi mắc đậu mùa khỉ.
Mới đây, TPHCM đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên qua giám sát dịch tễ. Tại Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người, Bộ Y tế cho biết, đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus cùng tên gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể.
Bệnh cũng có thể lây qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và từ mẹ sang con. Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Đặc biệt, người nhiễm HIV thường được coi là nhóm có nguy cơ khi mắc đậu mùa khỉ. Nếu không được phát hiện điều trị kịp thời, HIV có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của người bệnh. Bằng chứng cho thấy, suy giảm miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh nếu bị phơi nhiễm, mắc bệnh nặng hoặc tử vong do đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, cần có thêm số liệu để hiểu vấn đề này một cách đầy đủ.
"Người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn. Người sống chung với HIV, biết tình trạng của mình và được tiếp cận, điều trị hợp lý có thể đạt ngưỡng ức chế virus. Điều này có nghĩa là hệ miễn dịch của họ ít bị tổn thương trước tình trạng nhiễm bệnh khác so với khi không được điều trị", đại diện WHO cho biết.
Có nhiều ca bệnh trong đợt bùng phát dịch này đang sống chung với HIV. Tuy nhiên, chỉ có một vài ca bệnh nặng. Bởi, tình trạng nhiễm HIV của họ được kiểm soát tốt. Các nghiên cứu đang được tiến hành để hiểu rõ hơn về các câu hỏi này.
Người có nhiều bạn tình, bao gồm cả người đang sống chung HIV, được khuyến khích áp dụng những biện pháp phòng bệnh để giảm nguy cơ phơi nhiễm đậu mùa khỉ bằng cách tránh tiếp xúc với bất kỳ ai có triệu chứng. Theo WHO, giảm số bạn tình có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, ước tính khoảng 38% trường hợp đậu mùa khỉ có đồng nhiễm với HIV. Ngoài ra, có 41% đã hoặc đang mắc bệnh lây qua đường tình dục như lậu, Chlamydia và giang mai trong vòng 1 năm trở lại đây.
Để phòng chống đậu mùa khỉ tại Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, cơ sở khám, chữa bệnh. Sẵn sàng thu dung, điều trị, phân tuyến điều trị và cách ly bệnh nhân, thực hiện tốt việc phân luồng, kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh tại các cửa khẩu, cộng đồng; tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại địa phương.