Nhắc lại về tai nạn của bản thân khi dùng máy thái chuối, anh Bùi Văn Quân, xóm Đồng Duyên, xã Phú Đình, chia sẻ: Có lẽ tôi là người may mắn trong số những người từng bị tai nạn lao động do máy thái chuối. Trong lúc dùng tay để đẩy những mẩu thân cây chuối còn sót vào máy, tay tôi bị cuốn vào máy, rất may tôi chỉ bị tổn thương phần mềm.
Không may mắn như anh Quân, anh Dương Văn Tuyển ở xóm Đầm Thị, xã Bình Thành, bị mất hẳn một đốt ngón tay trỏ trái do sử dụng máy thái chuối. Anh Tuyển cho biết: Gia đình tôi chăn nuôi nhiều gia súc nên thường xuyên sử dụng máy này. Đây là loại máy cực kì nguy hiểm nếu không sử dụng đúng cách. Tai nạn đã khiến tôi bị giảm sức lao động và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Đây cũng là bài học cho gia đình tôi và những hộ đang sử dụng loại máy thái chuối.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa, mỗi năm có 30-40 trường hợp phải vào viện vì tai nạn lao động. Trong đó, số lượng bị tai nạn lao động do các máy nông cụ chiếm 70%.
Một số loại máy nông cụ thường xuyên gây ra tai nạn lao động như: Máy thái chuối, máy cắt cỏ, máy cày, máy bừa, máy đập tách hạt... Đây là những loại máy có tần suất sử dụng cao, lại không đảm bảo an toàn.
Bác sĩ Ma Thịnh Lạt, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa huyện Định Hóa, cho biết: Tai nạn lao động do máy nông cụ đa phần không gây ảnh hưởng đến tính mạng, tuy nhiên sẽ khiến bệnh nhân giảm khả năng lao động, gây bất tiện trong sinh hoạt. Đồng thời, nạn nhân có nguy cơ mắc các loại bệnh khác (nhiễm trùng, uốn ván, hoại tử…) nếu không được chăm sóc vết thương cẩn thận.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn lao động, một trong những nguyên nhân khiến tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp có chiều hướng gia tăng là do trình độ nhận thức, kỹ năng của người dân về an toàn lao động còn hạn chế. Nhiều người sử dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp nhưng lại thiếu các bộ phận che chắn an toàn. Nhiều người sử dụng chưa hiểu rõ, chưa nắm được nguyên tắc an toàn trong sử dụng điện và máy nông nghiệp, chủ yếu làm theo thói quen dẫn đến tai nạn. Đặc biệt, ngày càng nhiều người dân đưa máy tự chế vào sử dụng.
Bên cạnh đó, vấn đề an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng chưa được quan tâm đúng mức; các buổi tập huấn nội dung an toàn lao động cho nông dân khi sử dụng máy nông cụ còn ít, chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên…
Ðể hạn chế tai nạn do dụng máy nông cụ thì chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức cho người nông dân bằng cách như tổ chức tuyên truyền, tập huấn quy trình, nguyên tắc vận hành máy móc, thiết bị đúng cách, an toàn…