Trang trại trồng cây ăn quả của gia đình ông Xuân nằm giữa khu ruộng ở xóm Phú. Gần 10 năm trước, khi chính quyền địa phương vận động bà con chuyển đổi đất 1 cấy vụ lúa, 2 vụ màu này sang trồng cây ăn quả các loại để xóa nghèo, có nhiều người băn khoăn: Trồng cây ăn quả, nhà sẽ thiếu gạo. Nhưng ông Xuân không ngần ngại, mạnh dạn cải tạo lại ruộng bãi, chuyển đổi toàn bộ 31 sào đất, đánh luống, tôn ruộng trồng cây ăn quả.
Ông cho biết: Tư duy cố hữu của nông dân chúng tôi là “ăn chắc mặc bền”. Cứ nghĩ trong nhà có bồ thóc thì chẳng bao giờ lo đói. Trong khi đó, trăm thứ việc nhà đều trông cậy vào bồ thóc. Hơn nữa, đồng đất của xóm không thuận nước. Hằng năm, nhà tôi chật vật với 1 vụ lúa, 1 vụ lạc, 1 vụ ngô, trừ các khoản chi phí chỉ thu lãi khoảng 100 nghìn đồng/sào. Khi địa phương có chủ trương quy hoạch cánh đồng này thành vùng trồng cây ăn quả đặc sản, tôi đã nghĩ đó là giải pháp giúp nông dân xóa, giảm nghèo hiệu quả. Chính vì thế, tôi hưởng ứng ngay.
Những ngày đầu vừa cải tạo đất, vừa học hỏi kinh nghiệm, ông Xuân cũng lặn lội đến các cơ sở bán cây giống ăn quả trên địa bàn tỉnh mua về trồng thử. Không giấu giếm hạn chế, ông đã cố gắng học tập nên nhanh chóng hiểu được đặc tính của từng loại cây ăn quả, rồi thành thạo kỹ thuật cắt ghép mắt cây, cách trồng, chăm sóc cây theo chuẩn VietGAP.
Ông Xuân tâm sự: Những năm đầu, bỏ lúa trồng cây ăn quả, tôi cũng lo lắng lắm, sợ nhất là gặp ngay “mẹ của thành công” thì 9 miệng ăn trong nhà không biết trông cậy vào đâu. Cũng vì thế, tôi dành thời gian đi tham quan nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã thành công trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tham gia lớp học đào tạo nghề 3 tháng về kỹ thuật trồng trọt tại địa phương. Lớp học do chính quyền địa phương phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Thái Nguyên tổ chức, giảng viên đứng lớp đều là những người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trồng cây ăn quả.
Là người đi đầu trong chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả tại địa phương, sau một thời gian cần cù với ruộng vườn, Xuân ông gặt hái được nhiều thành quả kinh tế. Ngoài việc là người có quả chín bán sớm nhất, ông còn chiết, ươm cây giống bán cho các hộ trong vùng. Các hộ đến mua cây giống, ông hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn, từ việc đào hố, bón lót phân chuồng, kỹ thuật đặt cây, chăm cây và kỹ thuật để cây có tỷ lệ đậu quả cao, khi chín có vị thơm ngon, ăn ngọt...
Hiện, gia đình ông Xuân có hơn 500 gốc bưởi, trên 100 gốc ổi lê Đài Loan, 500 gốc quất cảnh, 100 gốc đào cảnh. Ông nói rủ rỉ: Bưởi chua bán tháng Tám, bưởi ngọt bán tháng Mười, bưởi Diễn bán dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến vườn bưởi năm nay cho thu hoạch trên 20.000 quả; ổi thu hơn 5 tấn quả. Từ 3 năm gần đây, gia đình tôi thu được trên 350 triệu đồng từ bưởi và ổi, chưa kể tiền bán quất và đào cảnh dịp Tết.
Mỗi ngày, ông Xuân đều có quả chín mang ra chợ bán. Tiền bán quả, gia đình thỏa sức mua lương thực, thực phẩm và sắm sanh tiện nghi sinh hoạt trong nhà. Lúc chia tay với chúng tôi, ông phấn chấn: Không riêng gia đình tôi, mà cả vùng này được đổi đời cũng nhờ chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.