5.840 tỷ đồng là tổng số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ giao. Còn số kế hoạch vốn của địa phương là 8.835,5 tỷ đồng (không bao gồm kế hoạch vốn kéo dài). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 2.283 tỷ đồng (vốn trong nước gần 1.928 tỷ đồng; vốn nước ngoài 355 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương 6.552,5 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 của tỉnh ước đạt 4.425/5.840 tỷ đồng (không bao gồm kế hoạch vốn kéo dài), đạt 75,77% so với số kế hoạch vốn do Thủ tướng giao. Với kết quả này, Thái Nguyên được Chính phủ biểu dương là một trong các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.
Để có được kết quả này, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, chủ đầu tư và UBND cấp huyện, yêu cầu quyết liệt hơn nữa nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án để tăng tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn. Ngay từ tháng 2/2022, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thái Nguyên - một trong những chủ đầu tư có tiến độ giải ngân đạt cao (84% tính đến hết tháng 9): Việc các chủ đầu tư phải báo cáo hằng tháng bằng văn bản với UBND tỉnh về tiến độ thực hiện các dự án, để được kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện là một trong những lý do quan trọng giúp việc triển khai các dự án trở nên thuận lợi hơn. Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành vượt mức tiến độ được giao, chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền địa phương để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; đôn đốc nhà thầu và các đơn vị liên quan thực hiện đúng hợp đồng, kế hoạch thi công, đảm bảo tiến độ đề ra.
Năm 2022, nhiều dự án đề nghị được điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, so với kế hoạch địa phương giao là 8.835,5 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thái Nguyên những tháng đầu năm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Chính vì vậy, UBND tỉnh liên tục có các công văn đôn đốc, nhắc nhở.
Theo đó, tại công văn số 3729/UBND-TH ngày 5/8/2022 của UBND tỉnh về việc rà soát tình hình thực hiện và cam kết giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương phải thực hiện và thanh toán 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Đơn vị, địa phương nào không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu. Đồng thời, phải rà soát cụ thể tình hình triển khai thực hiện các dự án được giao. Dự án, công trình nào không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022, chủ đầu tư khẩn trương báo cáo điều chỉnh; giải trình làm rõ nguyên nhân…
Tiếp đến, ngày 26/9/2022, UBND tỉnh có công văn số 4698/UBND-TH về việc điều chuyển vốn các dự án đầu tư công có tiến độ giải ngân đạt thấp, không đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Theo nội dung công văn, Sở Kế hoạch và Đầu tư được Chủ tịch UBND tỉnh giao khẩn trương tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022 của các chủ đầu tư dự án, điều chuyển nội bộ kế hoạch vốn giữa các dự án chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn theo thẩm quyền của UBND tỉnh.
Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA phải hủy, điều chỉnh, gia hạn sử dụng vốn dư, Sở có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao trong trường hợp các dự án không có khả năng hoàn thành khối lượng, không có khối lượng để bổ sung theo phương án điều chuyển kế hoạch nội bộ giữa các dự án…
Trước đó, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 23/9/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch của tỉnh mới đạt 46,22%. Còn theo Kho bạc Nhà nước, vẫn còn nhiều dự án các chủ đầu tư chậm giải ngân. Trong đó, một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân bằng 0%.
Trước thực tế này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thành các thủ tục về đầu tư, xây dựng, tái định cư, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc về đất đai; xử lý dứt điểm vướng mắc của các dự án đầu tư, chủ động báo cáo UBND tỉnh, các bộ, ngành liên quan các vướng mắc phát sinh trong trường hợp vượt quá thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời… Đối với các sở, ngành chuyên môn về xây dựng, đẩy nhanh thực hiện thẩm định trình phê duyệt đối với các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ được giao.
Tính đến thời điểm hiện tại, một số chủ đầu tư đã có văn bản xin điều chỉnh giảm nguồn vốn, với nhiều lý dó khác nhau, như: khó thuê đơn vị thẩm định giá, nhất là đối với các dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số; vướng trong giải phóng mặt bằng… Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, trình UBND tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn đối với những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, không có khả năng giải ngân sang những dự án có tỷ lệ giải ngân cao, có khả năng giải ngân còn thiếu vốn để hoàn thành dự án.
Giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; là vốn “mồi” kích thích sự quan tâm, đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách… Chính vì vậy, nối tiếp kết quả thành công của năm 2021, cũng như thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch địa phương giao, UBND tỉnh đang tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp, nhằm quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, để kết quả đạt được như kỳ vọng, rất cần sự nỗ lực từ phía cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là chủ đầu tư trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cần tiếp tục được đề cao.