Xóm Mỏ Gà có 178 hộ với 755 khẩu, trong đó, 85% là người dân tộc Tày. Nguồn thu nhập của bà con chủ yếu từ làm ruộng và trồng cây ăn quả. Gần đây, bà con trong xóm có thêm nguồn thu từ làm du lịch.
Do chăm chỉ và biết cách làm ăn nên từ nhiều năm nay, các hộ dân ở xóm Mỏ Gà đều có cuộc sống đầy đủ, con em được học hành "đến nơi đến chốn". Bà con trong xóm gắn bó tình cảm, đoàn kết bền chặt cùng nhau phát triển. 10 năm nay, Mỏ Gà được ghi nhận là địa bàn "sạch" về các loại tệ nạn xã hội, xóm không còn hộ nghèo, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao đều phát triển mạnh…
Khi được hỏi về "bí quyết" để duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, cũng như việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ông Nguyễn Văn Thượng, Trưởng xóm Mỏ Gà, cho biết: Đó là kết quả của sự đoàn kết của nhân dân trong xóm và việc thực hiện tốt quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bà con xóm Mỏ gà chúng tôi luôn đoàn kết một lòng nên hầu như tất cả các hoạt động, phong trào xã, huyện, tỉnh phát động, xóm đều hoàn thành xuất sắc.
Mặt khác, Mỏ Gà được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu trong lành, mát mẻ. Xóm xây dựng được các tuyến đường bê tông, sạch đẹp chạy qua những vườn cây trồng na, ổi, bưởi cùng với những nếp nhà sàn mái cọ, tạo nên khung cảnh thanh bình. Vẻ đẹp êm đềm của xóm làng cộng với vị trí nằm ngay cạnh Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng, chính là tiềm năng để thu hút du khách về với Mỏ Gà.
Tự tay đan các vật dụng gia đình như: rổ, rá, dần, sàng… là một trong những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà.
Do đó, từ năm 2019, xóm đã được tỉnh quan tâm đầu tư, khôi phục một số nhà sàn truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Từ năm 2021 đến nay, xóm Mỏ Gà tiếp tục được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Võ Nhai triển khai xây dựng Điểm du lịch cộng đồng. Các nội dung hỗ trợ gồm: Kinh phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho 10 cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng (homestay); hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ, vui chơi, giải trí du lịch (gồm: Trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công truyền thống, dịch vụ trò chơi dân gian, chụp ảnh hồ sen và các món ăn truyền thống của địa phương).
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng hỗ trợ đào tạo cho người dân xóm Mỏ Gà về kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng thêm 2 đội văn nghệ trình diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống để phục vụ khách du lịch.
Đến nay, điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà đã có đội nấu ăn gồm 19 người, đội văn nghệ gồm 20 người và 3 nhà sàn lớn có sức chứa 120 người, sẵn sàng phục vụ du khách. Anh Hoàng Anh Giang, chủ một homestay, chia sẻ: Từ khi biết đến hình thức du lịch cộng đồng, bà con rất nhiệt tình tham gia. Bên cạnh đem lại giá trị về mặt kinh tế, hoạt động du lịch cộng đồng đã giúp người dân chúng tôi thực hành và trân trọng những bản sắc văn hóa của chính cộng đồng mình.
Đến với Mỏ Gà, du khách được tận hưởng không khí trong lành; được sinh hoạt, nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn bằng gỗ, mái lợp lá cọ; tự tay đan các vật dụng gia đình như: rổ, rá, dần, sàng… hay thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị núi rừng của người Tày.
Anh Nguyễn Văn Phong, du khách đến từ phường Cống Vị, quận Ba Đình (Hà Nội), bày tỏ: Tôi rất thích không khí trong lành, cảnh quan làng quê thanh bình và các món ăn, đặc biệt là món bánh chưng đen của bà con ở xóm Mỏ Gà. Khi xem các sản phẩm của huyện Võ Nhai như: Dược liệu Giảo Cổ Lam, mỳ Tiền Phong, mỳ Tiến Diện, mật ong, chè Võ Nhai, nón lá... tôi cũng hiểu thêm và trân trọng nét văn hoá đặc trưng của đồng bào. Đây chính là nét riêng, tạo sức hấp dẫn cho du khách khi tới đây.