Đến các phòng, đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Thái Nguyên, điều chúng tôi ấn tượng là sự bài trí hợp lý, khoa học và đặc biệt không gian sinh động với rất nhiều cây. Trên bàn làm việc, khu vực hành lang, góc ban công và sân đều được bố trí các loại hoa và cây xanh phù hợp; giúp tạo mỹ quan, sự thân thiện cho công dân tới làm việc, cán bộ, chiến sĩ cũng bớt căng thẳng, mệt mỏi, thêm gắn bó với cơ quan.
Đây chính là kết quả của phong trào “Phần việc xanh” do Hội Phụ nữ Công an tỉnh phát động. Bắt đầu triển khai từ đầu năm 2022, đến nay, các hội cơ sở đã xây dựng và duy trì được 18 công trình phù hợp với đặc thù từng đơn vị. Điển hình như mô hình “vườn hoa đơn vị” tại Phòng Hậu cần, Trại Tạm giam, Phòng Cảnh sát giao thông; “hàng cây xanh” ở Hội Phụ nữ Cảnh sát 1, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; “ban công xanh” ở Hội Phụ nữ Cảnh sát 2.
Tháng 4-2022, Hội Phụ nữ Công an tỉnh thực hiện mô hình “thư viện xanh, lan toả văn hóa đọc” với nội dung trang trí, tạo không gian xanh cho thư viện và tổ chức các mô hình, hoạt động giới thiệu sách, đã thu hút nhiều người tới tìm đọc sách.
Thiếu tá Đỗ Thị Phương Dung, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh, cho biết: Các "phần việc xanh" tạo không khí phấn khởi, thu hút chị em tham gia tích cực. Với đặc thù đơn vị phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn là công tác và sinh hoạt tại chỗ, chúng tôi lựa chọn mô hình “vườn rau an toàn” tại khuôn viên đội ở Sông Công và Phổ Yên, vừa tạo không gian xanh, vừa cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ.
Cùng với mô hình “phần việc xanh”, từ vài năm trở lại đây, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã tăng cường hướng về cơ sở, kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các hoạt động an sinh xã hội.
Nữ cán bộ Công an tham gia làm căn cước công dân gắn chíp tại nhà đối tượng chính sách.
Trung tá Nguyễn Thị Thuý Linh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh, cho biết: Hội phối hợp với Đoàn Thanh niên và các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập trung vào các đối tượng yếu thế, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Riêng từ đầu năm tới nay, các cơ sở hội đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Phối hợp với Hội LHPN huyện Đồng Hỷ thực hiện công tác dân vận tại xã Cây Thị; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tuyên truyền pháp luật tại xã Bảo Linh (Định Hóa)… Đặc biệt là triển khai chương trình “mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do tác động của dịch COVID-19 hoặc nguyên nhân khác. Chỉ trong thời gian ngắn đã có 12 trẻ được các cấp hội phụ nữ Công an tỉnh đăng ký nhận đỡ đầu. Cùng với hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng, các nữ cán bộ, chiến sĩ còn thường xuyên tới thăm hỏi, động viên và tạo mọi điều kiện để các cháu học tập, ổn định tâm lý.
Bên cạnh các phong trào thi đua, tại từng cơ sở hội, mỗi nữ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an của tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc được giao, chủ động đăng ký, đảm nhận các công trình, phần việc. Đó là mô hình “phòng tiếp dân kiểu mẫu, làm hết việc chứ không hết giờ” tại Phòng Cảnh sát giao thông; hưởng ứng đợt thi đua 90 ngày đêm cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử cho công dân tại Phòng An ninh đối ngoại; chiến dịch làm sạch dữ liệu căn cước can phạm tại Phòng Hồ sơ nghiệp vụ… Đồng thời tích cực tham gia các hoạt động nghiệp vụ như hội thao điều lệnh, bắn súng và võ thuật, kết quả đạt nhiều giải cao.
Do yêu cầu nhiệm vụ của Ngành, phụ nữ Công an tỉnh Thái Nguyên có mặt ở hầu hết các lĩnh vực công tác, trong đó, nhiều chị em trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự tại các đơn vị cơ sở, thậm chí phải trực diện đối mặt với tội phạm nguy hiểm. Nhưng dù ở vị trí nào, các chị cũng luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.