Trước tình trạng xe quá khổ, quá tải tái diễn ở nhiều địa phương trong cả nước, gây mất an toàn và hư hại hạ tầng giao thông, từ giữa tháng 6, Bộ Công an, Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo lực lượng chức năng đồng loạt ra quân, xử lý. Sau hơn 3 tháng thực hiện đợt cao điểm này, các xe chở hàng quá tải, tự ý thay đổi kích cỡ thành thùng bị xử lý nghiêm.
Đối với Thái Nguyên, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) đã xử lý gần 1.000 trường hợp xe vi phạm trọng tải, tự ý thay đổi kích cỡ thành thùng. Trong đó, có những trường hợp quá tải đến 80%.
Thiếu tá Chu Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, cho biết: Trong đợt ra quân vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tăng cường tuần tra tất cả các tuyến đường được giao quản lý; tập trung vào các tuyến đường, khu vực có nhiều xe quá khổ, quá tải hoạt động, như: Cảng Đa Phúc (TP. Phổ Yên); Quốc lộ 1B, Quốc lộ 17 (đoạn qua huyện Đồng Hỷ); Quốc lộ 37 (đoạn qua huyện Phú Bình, huyện Đại Từ); Quốc lộ 3 (đoạn qua huyện Phú Lương)... Lực lượng Cảnh sát giao thông các huyện, thành phố cũng quyết liệt vào cuộc nên đến nay tình trạng xe quá khổ, quá tải đã được xử lý triệt để. Những xe vi phạm kích cỡ thành thùng đều bị yêu cầu “cắt cơi” về nguyên bản.
Ông Ngô Thanh Tùng, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải, cho biết: Lực lượng Thanh tra Giao thông phải thực hiện nhiều đầu việc khác nhau, nhưng ngay từ giữa tháng 4, khi tình trạng xe quá khổ, quá tải diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng phức tạp, chúng tôi tập trung phối hợp với Chi cục Quản lý đường bộ 1.4 (Cục Quản lý đường bộ I) tuần tra, xử lý xe quá khổ, quá tải. Tuy nhiên, có những khó khăn nhất định trong quá trình xử lý, như: Lực lượng mỏng, nhiều chủ xe, tài xế có biểu hiện chống đối (không chấp hành dừng xe để kiểm tra; cho người theo dõi nhằm tránh tuyến đường tuần tra của cơ quan chức năng)... Thời gian đầu mở đợt cao điểm, một số đơn vị vận tải cho xe cơi nới thành thùng về bãi, tạm dừng hoạt động để “nghe ngóng” tình hình.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc xử lý quyết liệt và sẽ còn duy trì lâu dài nên các doanh nghiệp vận tải buộc phải “hạ cơi” để hoạt động trở lại. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, 99% xe vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã được tháo dỡ phần cơi nới, trở về nguyên bản của nhà sản xuất.
Khác với trước, sau đợt ra quân xử lý của cơ quan chức năng, dù đạt kết quả cao nhưng chỉ được thời gian ngắn thì tình trạng xe quá khổ, quá tải lại diễn ra ở một số địa phương nên người dân cho rằng, việc xử lý như vậy chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”. Nhưng lần này, sau đợt cao điểm, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo lực lượng liên quan tiếp tục duy trì, siết chặt và xử lý nghiêm các xe vi phạm trọng tải, kích cỡ thành thùng.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh thể hiện quyết tâm cao trong việc xử lý xe quá khổ, quá tải. Có thể thấy, việc vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng từ Trung ương đến tỉnh trong xử lý vi phạm trọng tải, tự ý thay đổi kích cỡ thành thùng đã đem lại hiệu quả cao, sẽ không còn tình trạng xử lý kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Qua đó tạo đồng thuận của người dân và các doanh nghiệp, vừa bảo vệ được hạ tầng giao thông, vừa minh bạch, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục siết chặt quản lý trọng tải, tự ý thay đổi kích cỡ thành thùng; tăng cường kiểm tra, xử lý tại các kho bãi, bốc xếp hàng hóa…