Theo nội dung vụ việc, bà Trần Thị Tuyết và các hộ dân phản ánh: Từ năm 1989-1990, Công ty Điện ảnh Thái Nguyên quyết định thanh lý bán đấu giá nhà cấp 4 khu tập thể cho cán bộ, công nhân viên của Công ty. Do nhà thanh lý dột nát, xuống cấp, không đảm bảo an toàn nên các hộ gia đình đã làm đơn đề nghị các cấp có thẩm quyền xin được hợp thức hóa đất để được cấp giấy phép sửa chữa, xây dựng lại. Đặc biệt từ năm 2005, một số hộ dân đã sửa chữa, xây nhà kiên cố trên nền nhà thanh lý.
Đại diện công dân phát biểu ý kiến.
Suốt nhiều năm qua, bà Trần Thị Tuyết và đại diện các hộ dân có đơn gửi nhiều nơi, đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết nguyện vọng của các hộ dân về việc “hợp thức hóa đất, nhà thanh lý” và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, quá trình giải quyết sự việc, các cấp, ngành liên quan đã nhiều lần gửi văn bản trả lời và xác định phần đất của các hộ dân trong khu tập thể chưa đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì các lý do: Nguồn gốc sử dụng đất là đất công; khu đất không nằm trong quy hoạch sử dụng đất ở dân dụng; trước đây, các hộ mua nhà thanh lý chứ không phải mua đất của Công ty Điện ảnh.
Toàn cảnh buổi tiếp công dân.
Tại buổi tiếp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải đề nghị đại diện các cấp, ngành liên quan làm rõ bản chất sự việc, căn cứ pháp lý và đề xuất hướng giải quyết.
Trên cơ sở đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục phối hợp nghiên cứu các bước giải pháp thực hiện (thủ tục trả lại đất cho UBND TP. Thái Nguyên quản lý theo quy trình); nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phân khu tỷ lệ 1/2.000 phường Trưng Vương đưa khu đất trên vào diện đất ở cho phù hợp; xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường; quy trình, cơ chế thu tiền sử dụng đất… Từ đó có cơ sở trả lời cũng như giải quyết nguyện vọng của các hộ dân.