Chưa một thời điểm nào, TP. Thái Nguyên lại “nhộn nhịp” như hiện nay. Trên toàn thành phố, nhiều công trình, dự án có quy mô lớn, nhỏ đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Một trong những dự án, công trình tiêu biểu phải kể đến như: Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc; Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực; Dự án xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài và các dự án xây dựng khu dân cư, tái định cư…
Bên cạnh đó, thành phố chuẩn bị được đầu tư xây dựng nhiều dự án lớn như: ơhố đi bộ, sân vận động tỉnh… Tất cả dần hiện hữu sắc vóc của một đô thị hiện đại, tầm cỡ.
Để có được những kết quả trên, TP. Thái Nguyên đặc biệt chú trọng đến công tác thu hút đầu tư, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ, chính quyền thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp thu hút nhà đầu tư, huy động hiệu quả nguồn vốn trong và ngoài nước.
Đơn cử như Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực, TP. Thái Nguyên đã huy động nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), với tổng mức đầu tư xây dựng trên 2.200 tỷ đồng (đến nay, 4/5 hạng mục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng). Hay Dự án đường Bắc Sơn kéo dài, có chiều dài 9,5km, tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng…
Khu đô thị Danko City (nằm trên địa bàn phường Chùa Hang và xã Cao Ngạn). Ảnh: Lăng Khoa
Tính từ năm 2016 đến nay, TP. Thái Nguyên đã thu hút trên 100 dự án, ở nhiều lĩnh vực như: thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục…Tổng mức đầu tư của các dự án là trên 100 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2018, đã có 30 nhà đầu tư đăng ký thực hiện 54 dự án trên địa bàn TP. Thái Nguyên, với tổng số vốn đăng ký trên 63 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh công tác thu hút đầu tư, từ nguồn vốn ngân sách, TP. Thái Nguyên còn dành hàng trăm tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị; trồng thay thế cây xanh; triển khai các đề án nhằm thúc đẩy phát triển đô thị. Tiêu biểu như: Đề án Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, Đề án Nâng cao năng lực quản lý trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị…
Nhiều tuyến đường, phố trở lên sáng - xanh - sạch - đẹp vì được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, đã được công nhận Tuyến phố văn minh đô thị, như tuyến đường: Đội Cấn, Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến, Hùng Vương, Nguyễn Du…
Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng “Đô thị xanh”, mới đây, TP. Thái Nguyên đã đầu tư trên 22 tỷ đồng xây dựng 3 khu vườn hoa, cây xanh trên địa bàn các phường: Túc Duyên, Hoàng Văn Thụ và Thịnh Đán, với tổng diện tích gần 17.000m2. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân rèn luyện thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa.
Một góc đô thị TP. Thái Nguyên hôm nay. Ảnh: C.T.V
Từng bước hướng đến một đô thị thông minh, nâng cao chất lượng đô thị, TP. Thái Nguyên đã bứt phá trở thành 1 trong những đơn vị đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Thành phố đã triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; hướng dẫn các tổ công nghệ số cộng đồng truy cập, sử dụng cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố, trang thông tin điện tử các xã, phường...
Ngoài ra, thành phố đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đưa vào hoạt động dịch vụ công mức độ 3, 4; sử dụng “Phòng họp không giấy”; xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC), với tổng mức đầu tư gần 45 tỷ đồng, kết nối với IOC của tỉnh và các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, giúp lãnh đạo thành phố quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế, đem lại hiệu quả cao hơn, phục vụ tốt hơn đối với người dân và doanh nghiệp.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, TP. Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng thành phố là một trong những trung tâm kinh tế, chuyển đổi số, y tế, giáo dục, khoa học, xứng đáng là “đầu tàu” phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc…