Nhiều thách thức, khó khăn trong công tác điều trị
Theo ước tính của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện có khoảng gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C mạn tính. Trong số này, tỷ lệ người nhiễm viêm gan C đồng nhiễm HIV khá cao, khoảng 34,4% (26- 44%).
Tình trạng nhiễm virus viêm gan C ở người nhiễm HIV có thể làm tăng nhanh quá trình tiến triển đến xơ gan so với người không nhiễm HIV. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan mất bù vẫn cao hơn ở người không nhiễm HIV.
Mặc dù hiện nay BHYT đã chi trả 50% tiền thuốc điều trị viêm gan C và các xét nghiệm liên quan đến khẳng định nhiễm viêm gan C, đánh giá xơ hóa gan, xơ gan. Tuy nhiên, mong muốn của người bệnh là được điều trị ở tuyến huyện, nhưng hiện tuyến huyện chưa được phép chi trả điều trị viêm gan C theo BHYT. Bệnh viện tuyến huyện mới chỉ hỗ trợ chi trả BHYT cho bệnh nhân làm các xét nghiệm phát hiện, đánh giá xơ hóa gan và chuyển lên tuyến trên làm các xét nghiệm khẳng định viêm gan C.
Một thực trạng nữa là tỷ lệ người tiêm chích ma túy có BHYT còn rất thấp, trong khi đó nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh viêm gan C nói chung và ở người đồng nhiễm HIV/viêm gan C, người sử dụng ma túy còn rất hạn chế.
Mặc dù, đã có những dấu hiệu tích cực cho việc điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm, nhưng vẫn còn nhiều thách thức trong việc tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C đối với người bệnh. Phần lớn xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C chỉ được thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh gây khó khăn cho nhiều bệnh nhân trong việc tiếp cận với xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
Bên cạnh đó, giá xét nghiệm còn cao, mức hưởng từ Quỹ Bảo hiểm y tế đối với thuốc kháng virus trực tiếp cho bệnh nhân điều trị còn thấp cũng là một cản trở cho việc tiếp cận điều trị của người bệnh. Đây là những rào cản ảnh hưởng đến việc tiếp cận chẩn đoán và điều trị viêm gan C của người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C nói riêng và các bệnh nhân nhiễm viêm gan C nói chung. Ngoài ra, việc người bệnh tuân thủ điều trị và dự phòng tái nhiễm sau khi được chữa khỏi cũng là những vấn đề cần quan tâm trong công tác điều trị.
16.000 đối tượng đích được hỗ trợ điều trị VGC/HIV
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Điều trị viêm gan C (VGC) ở người đồng nhiễm HIV/VGC, người tiêm chích ma túy nhiễm VGC" do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vừa phối hợp tổ chức, TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: Kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam cách đây 30 năm và trong 30 năm qua, Bộ Y tế và Chương trình quốc gia phòng chống HIV/AIDS đã mở rộng chương trình điều trị cho người nhiễm HIV.
Những người nhiễm HIV khi được chẩn đoán thì sẽ được điều trị, chính vì vậy tỉ lệ những người nhiễm HIV nói chung đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong ở người nhiễm HIV do các bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng, bệnh truyền nhiễm còn khá cao. Nếu điều trị sớm thì tỉ lệ tử vong sẽ giảm đi nhiều.
Nếu các bệnh đồng nhiễm, đồng mắc như bệnh lao, viêm gan virus không được phát hiện và điều trị sớm thì không thể giảm tỉ lệ tử vong ở người HIV. Việt Nam chúng ta là một trong những nước có tỉ lệ gánh nặng bệnh tật cao liên quan đến viêm gan virus, trong đó có viêm gan B và viêm gan C.
Đối với người nhiễm HIV tỉ lệ mắc viêm gan B và đặc biệt viêm gan C rất cao so với quần thể khác nói chung và việc tiếp cận điều trị viêm gan C vẫn còn rất hạn chế. "Nguyên nhân là việc điều trị viêm gan C chưa sẵn có ở tuyến huyện và những nơi đã sẵn có như bệnh viện tuyến tỉnh thì người bệnh còn nhận thức hạn chế về điều trị viêm gan C. Một phần quan trọng đó là việc điều trị viêm gan C có chi phí khá cao và người bệnh chưa có khả năng chi trả, chính vì vậy tỉ lệ tử vong do viêm gan C ở người nhiễm HIV vẫn chưa giảm", TS. Vân cho hay.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 80-90% những người tiêm chích ma túy bị nhiễm virus gây viêm gan C, điều này là do đường lây truyền virus viêm gan C khá giống với đường lây truyền HIV đó là lây truyền qua đường máu, qua đường tình dục, từ mẹ sang con. Nhưng chủ yếu là lây truyền qua đường máu và ở đây là nhóm tiêm chích ma túy do sử dụng chung bơm kim tiêm. Tỉ lệ lây nhiễm HIV trước đây chủ yếu tập trung ở nhóm tiêm chích ma túy và gần đây chuyển sang nhóm khác như nhóm quan hệ tình dục đồng giới.
Trước đây việc can thiệp giảm, phòng HIV và viêm gan C còn hạn chế, nhưng những năm vừa qua với sự hợp tác quốc tế, nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế... chúng ta đã triển khai nhiều chương trình giảm nhẹ, đặc biệt là chương trình bơm kim tiêm. Trong đó nhóm tiêm chích ma túy được tiếp cận bơm kim tiêm sạch, sử dụng một lần nên tỉ lệ lây nhiễm HIV ở nhóm tiêm chích ma túy đã giảm và việc lây truyền viêm gan C cũng giảm.
TS. Nguyễn Thị Thúy Vân cho biết, trong thời gian vừa qua, Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét đã hỗ trợ Việt Nam thuốc điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV và người tiêm chích ma túy cho 16.000 người. Hiện nay, chúng ta đang nghiên cứu toàn diện việc điều trị viêm gan C để mở rộng việc điều trị viêm gan C.
Theo đánh giá ban đầu tỉ lệ người bệnh được điều trị khỏi trong dự án này rất cao trên 95% vì các nhóm điều trị rất đặc biệt, một nhóm vừa nhiễm HIV và mắc viêm gan C nên việc tương tác thuốc, điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, nhóm thứ 2 là đối tượng tiêm chích ma túy vừa dùng Methadone và thuốc điều trị viêm gan C.
Dự án toàn cầu cũng đã triển khai dịch vụ chẩn đoán, điều trị viêm gan C xuống tuyến huyện và đặc biệt lồng ghép vào phòng khám ngoại trú nơi người nhiễm HIV đang điều trị ARV đã tạo điều kiện cho người bệnh điều trị HIV và viêm gan C ở cùng một cơ sở. Thông qua dự án này, sẽ đánh giá được hiệu quả của điều trị viêm gan C ở tuyến huyện và việc lồng ghép điều trị viêm gan C trong điều trị HIV.
Cần các giải pháp nâng cao hơn nữa nhận thức và tính chủ động
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, theo TS.BS. Cao Thị Thanh Thủy, Phòng khám viêm gan, truyền nhiễm, Trung tâm Khám bệnh số 1, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, chúng ta cần có các giải pháp nâng cao hơn nữa nhận thức của người mắc viêm gan C, người đồng nhiễm HIV/viêm gan C, người tiêm chích ma túy.
TS. Thủy cho biết, để bảo đảm thành công của điều trị viêm gan C trên người nhiễm HIV thì trong điều trị cần lưu ý vấn đề tương tác thuốc vì người nhiễm HIV điều trị ARV và các thuốc khác. Trong quá trình điều trị cần phải theo dõi và có những đánh giá về tương tác thuốc điều trị viêm gan C và thuốc ARV, thuốc lao và các thuốc khác trước và trong khi điều trị.
Đối với người bệnh sử dụng ma túy, điều trị Methadone thì không có tương tác thuốc nhưng người tiêm chích ma túy trong quá điều trị viêm gan C có thể có thể bị gián đoạn điều trị hoặc bỏ trị do các vấn đề vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng ma túy. Vì vậy người tiêm chích ma túy cần được hỗ trợ, duy trì điều trị methadone, ngoài ra hỗ trợ từ gia đình, người thân và tại cơ sở điều trị là rất cần thiết.
Theo TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, hiện nay, chúng ta đã có chiến lược toàn cầu đối với viêm gan virus, bệnh lây truyền qua đường tình dục và mục tiêu đến năm 2030 có thể loại trừ viêm gan virus, HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục để không còn là mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước đi đầu áp dụng các khuyến cáo, các điều trị mới của Tổ chức y tế thế giới cũng như trong xây dựng chính sách, thực hiện các hướng dẫn kỹ thuật. Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn xét nghiệm viêm gan C để cán bộ y tế ở tuyến huyện có thể thực hiện sàng lọc, xét nghiệm viêm gan C. Ngoài ra, các hướng dẫn điều trị cũng liên tục được cập nhật trong đó có phần hướng dẫn chẩn đoán điều trị đồng nhiễm HIV/viêm gan C. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Thúy Vân cho rằng, để tiến tới loại trừ viêm gan C vào năm 2030 thì chúng ta cần phải đẩy mạnh và mở rộng mô hình xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị viêm gan C ở tuyến huyện.