Nhiều trận mưa lớn từ đầu năm đến nay ở huyện Đại Từ, đặc biệt là các trận mưa do ảnh hưởng của bão hồi cuối tháng 5 và cuối tháng 8-2022 đã khiến hơn 180 hộ có nhà ở bị ảnh hưởng. Bên cạnh một số hộ bị ngập nước, tốc mái thì phần đa trong số này bị sạt lở ta luy sau nhà, khiến nhà ở và các công trình phụ trợ bị đổ sập hoặc bị đất đá vùi lấp một phần, tập trung ở các xã miền núi như: Minh Tiến, Tân Linh, Yên Lãng, Quân Chu…
Đã 2 tháng trôi qua nhưng gia đình anh Vũ Mạnh Hùng, ở xóm 8, xã Tân Linh, vẫn chưa hết bàng hoàng. Sau tiếng động lớn, hàng chục khối đất đá bất ngờ từ trên đồi cao sạt xuống phía sau nhà, bùn đất cùng nước mưa tràn lấp khiến ngôi nhà của anh bị nứt toác, sẵn sàng đổ sập bất cứ lúc nào.
Anh Vũ Mạnh Hùng cho biết: Ta luy sau nhà tôi khá cao nên không tránh khỏi đất sạt trượt xuống khi có mưa. Ngôi nhà không còn đảm bảo an toàn để sinh sống nên gia đình tôi đã chuyển đến nhà người thân ở nhờ.
Nằm ở phía Tây Bắc của huyện Đại Từ, xã Yên Lãng cũng có khoảng 70-80 hộ nằm gần chân núi, trong đó có khoảng chục hộ nằm sát ta luy dương. Ông Hoàng Công Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lãng, cho biết: Nhiều hộ dân sống sát chân núi cũng nhận thấy nguy hiểm tiềm ẩn, song kinh tế gia đình khó khăn nên họ chưa thể chuyển đến nơi khác sinh sống.
Cũng giống Đại Từ, huyện Võ Nhai có hơn 80% diện tích là đồi núi nên việc người dân sinh sống dưới chân đồi núi không hiếm. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai: Hiện, trên địa bàn có khoảng 700 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng, có nguy cơ sạt lở. Những hộ này chủ yếu ở các xã phía Bắc của huyện (Nghinh Tường, Vũ Chấn, Sảng Mộc, Thần Sa, Cúc Đường, Thượng Nung).
Ông Nông Đình Tuất, Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường, cho biết: Khoảng 80% người dân trong xã có nhà ở ven đồi núi. Trước đây, bà con làm nhà dưới chân núi, nhưng ở khu đất tương đối rộng nên có khoảng cách an toàn. Còn hiện nay, dân số và nhu cầu về nhà ở tăng, đặc biệt là các gia đình có nhiều thế hệ muốn cho con ra ở riêng, do vậy, người dân san, gạt đồi để làm nhà, tạo thành các ta luy dương dựng đứng, nguy cơ sạt lở cao. Từ năm 2019, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, hỗ trợ di dời được 5 hộ; cải tạo, ổn định tại chỗ (san gạt, hạ độ cao ta luy dương) được 29 hộ. Hiện còn 64 hộ chưa được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), cho biết: Tại những địa phương có nhiều đồi núi như: Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ và một số xã phía Tây của TP. Phổ Yên, người dân chủ yếu sinh sống dưới chân đồi, trong đó có nhiều gia đình làm nhà sát ta luy dương cao hàng chục mét, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Giai đoạn 2010-2020, tỉnh đã triển khai một số khu tái định cư để di dời các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng sạt lở. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 3.000 hộ dân sinh sống ở những vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng, hàng năm, tỉnh đều rà soát, hỗ trợ người dân ổn định đời sống bằng cách hạ ta luy dương, nới rộng khoảng cách giữa nhà ở và ta luy. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế…
Thực tế, tình trạng tự ý san ủi đất đồi để xây dựng nhà ở vùng nông thôn, miền núi hiện rất phổ biến. Đa số các hộ làm nhà sát chân núi, ta luy dương cao mà không có giật cấp hoặc kè chống sạt lở. Khi mưa lớn dài ngày, đất “ngậm” nhiều nước, kết cấu đất đá không còn vững chắc sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở, vùi lấp công trình, nhà ở, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì vậy, chính quyền các địa phương này cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân ngay từ khi xây dựng nhà ở.