Bà Đinh Thị Ngân, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình, cho biết: Nhận thấy những giá trị mà cây lạc mang lại, hàng năm chúng tôi phối hợp với các cơ quan, đơn vị lồng ghép tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lạc cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các xã định hướng người dân đưa các giống như lạc đỏ Bắc Giang, L14, L12, L26… cho năng suất, chất lượng cao vào trồng, tuyên truyền mở rộng diện tích lạc vụ xuân trên đất chuyên màu, đất một lúa, đất lúa kém hiệu quả; làm “cầu nối” liên kết các hộ dân trồng lạc với các hợp tác xã (HTX), cơ sở ép dầu lạc trên địa bàn để tạo ra sản phẩm có giá trị…
Ông Nguyễn Văn Lập, ở xóm La Tú, xã Tân Khánh, nói: Năm nào cũng vậy, gia đình tôi đều trồng 2 vụ lạc (vụ xuân và vụ mùa) với diện tích gần 2.000m2. Trước đây, sau khi thu hoạch ở ruộng xong, tôi thường mang lạc về sân, phơi thật khô rồi đóng vào bao để bảo quản, dùng ăn dần hoặc mang ra chợ bán lẻ nên tốn khá nhiều công. Nhưng nay thương lái đến tận nhà thu mua (giá dao động từ 25-30 nghìn đồng/kg lạc khô cả vỏ), do đó tôi không còn phải lo đầu ra.
Anh Khương Văn Duy, Giám đốc HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện, ở xã Tân Khánh, cho biết: Hàng năm, chúng tôi đều liên kết với các hộ trồng lạc ở xã Tân Khánh và một số xã lân cận như: Tân Kim, Tân Hòa, Tân Thành… để thu mua lạc về ép thành dầu lạc nguyên chất. Hiện nay, trung bình mỗi tháng HTX sản xuất và bán ra thị trường khoảng 500 lít dầu lạc, với giá bán 90 nghìn đồng/lít.
Huyện Phú Bình hiện có gần 1.350ha lạc, được trồng ở cả vụ xuân và vụ mùa. Những địa phương có diện tích trồng nhiều như: Tân Thành 170ha; Tân Khánh 135ha; Tân Hòa 130ha; Tân Kim 120ha. Các xã khác như Nga My, Bảo Lý, Bàn Đạt, Thượng Đình… có diện tích từ 50-95ha.
Nhiều năm nay, diện tích trồng lạc của huyện luôn duy trì ổn định. Cây lạc thường được bà con trồng tập trung, xen canh với một số loại cây trồng khác như: Ngô, đỗ…
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đồng đất Phú Bình thích hợp để cây lạc sinh trưởng. Ngoài thu hoạch củ, người dân có thể sử dụng thân và lá cây để làm phân chuồng, thức ăn cho gia súc, gia cầm… Với năng suất đạt 120kg/sào và giá bán như hiện nay là 30 nghìn đồng/kg lạc cả vỏ đã phơi khô, từ 65-70 nghìn đồng/kg lạc nhân (đã bóc vỏ), bà con thu lãi khoảng 1 triệu đồng/sào (cao gấp 2-2,5 lần so với trồng lúa, ngô, dưa chuột…).
Có thể nói rằng, cây lạc tuy không phải là cây trồng chính như cây lúa, ngô nhưng đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho không ít hộ dân ở huyện Phú Bình trong những năm gần đây. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền để bà con đưa các giống lạc cho năng suất, chất lượng cao vào trồng; định hướng người dân sản xuất lạc thành vùng tập trung, theo quy trình VietGAP, hữu cơ, từng bước xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và chế biến sản phẩm từ lạc để nâng cao giá trị…