Vừa xuất bán hơn 3 tấn lợn hơi, sau khi vệ sinh chuồng trại, đầu tháng 10, gia đình chị Đoàn Thị Thu, ở xóm Bún 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương), bắt đầu tái đàn lứa mới với gần 100 con lợn thịt. Chị Thu chia sẻ: Năm nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên giá lợn hơi bán ra phải đạt trên 60 nghìn đồng/kg chúng tôi mới có lãi. Nhưng từ tháng 6 đến nay, có thời điểm giá lợn chỉ ở mức 54-55 nghìn đồng, khiến nhiều hộ thua lỗ. Do lo ngại thị trường lên xuống bấp bênh nên nhà tôi chỉ nuôi gần 100 con lợn thịt, trong khi chuồng trại có khả năng nuôi nhiều hơn.
Không chỉ lo lắng về giá sản phẩm đầu ra, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên vật nuôi cũng khiến người chăn nuôi bất an. Bởi, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Chính vì vậy, các hộ luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi cũng như tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh. Đồng thời, bà con cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng theo định kỳ.
Không chỉ những hộ chăn nuôi lợn, thời điểm này, hầu hết các hộ nuôi gia cầm cũng đã vào đàn lứa mới để chuẩn bị cho Tết. Tuy nhiên, bà con cũng đang trong tình trạng vừa nuôi vừa nghe ngóng thông tin thị trường.
Anh Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã gà đồi hữu cơ Tân Phú, xã Tân Khánh (Phú Bình), cho biết: Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán năm 2023, chúng tôi có khả năng cung cấp cho thị trường 20 nghìn con gà ri, với trọng lượng trung bình 2kg/con. Thời điểm này, ngoài việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho gà, bà con trong Hợp tác xã luôn theo dõi sát tình hình dịch bệnh để tránh những thiệt hại có thể xảy ra. Những năm gần đây, giá gà không tuân theo quy luật thị trường nên khó dự đoán, vì vậy, chúng tôi cũng chỉ dám nuôi với quy mô như mọi năm, chứ không tăng đàn.
Năm 2022, ngành Chăn nuôi phấn đấu sản lượng thịt hơi các loại đạt 158 nghìn tấn, tăng hơn 1,3 nghìn tấn so với năm 2021. Trong ảnh: Người dân chọn mua thịt lợn tại một chợ dân sinh trên địa bàn phường Đồng Tiến (TP. Phổ Yên).
Tìm hiểu chúng tôi được biết, để việc tái đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đã phối hợp với các địa phương triển khai tiêm vắc-xin phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Cùng với đó, các địa phương cũng hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, chú trọng những vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ để tiêu diệt mầm bệnh.
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Do vậy, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không xuất hiện ổ dịch lớn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết sắp tới.
Tính đến hết tháng 9/2022, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn tỉnh ước đạt 131,1 nghìn tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 83% kế hoạch cả năm. Hiện, đàn vật nuôi của tỉnh đang duy trì trên 644 nghìn con gia súc và 14,8 triệu con gia cầm. Số lượng này không chỉ đảm bảo nguồn cung phục vụ thị trường trong tỉnh mà còn xuất bán sang các tỉnh bạn.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc các hộ dân tập trung tái đàn gia súc, gia cầm không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao của thị trường dịp Tết mà còn góp phần thực hiện mục tiêu của ngành Chăn nuôi trong năm 2022. Đó là phấn đấu đạt 158 nghìn tấn sản lượng thịt hơi các loại, tăng hơn 1,3 nghìn tấn so với năm 2021.
Hiện nay, thời tiết đang bước vào giai đoạn giao mùa nên gia súc, gia cầm bị giảm sức đề kháng, tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát các loại dịch bệnh. Do vậy, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con khi tái đàn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc con giống và thức ăn, tiêm phòng đầy đủ định kỳ cho đàn vật nuôi.
Đặc biệt, bà con không được chủ quan, cần chú trọng ở những vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ để tiêu diệt các loại mầm bệnh khi tái đàn; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình VietGAP để phát triển bền vững. Trong quá trình chăn nuôi, khi thấy vật nuôi có những hiện tượng bất thường, như: sốt cao, bỏ ăn, khó thở... phải nhanh chóng cách ly để kiểm tra, theo dõi; đồng thời, báo cho cán bộ thú y để được hướng dẫn biện pháp điều trị thích hợp, tránh làm lây lan dịch bệnh.
Theo ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh: Thời gian tới, cùng với việc khuyến cáo hội viên thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng vắc-xin, khử trùng tiêu độc chuồng trại, che chắn đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi, chúng tôi tiếp tục mở các lớp tập huấn về kiến thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; xây dựng các chuỗi liên kết và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Chúng tôi cũng lưu ý, trước khi tái đàn, bà con cần tìm hiểu thông tin về thị trường, lượng cung cầu và nơi tiêu thụ sản phẩm để lựa chọn quy mô con nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.