Vừa qua, chị Đinh Thị Sim, dân tộc Mường, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ xóm Khe Mo 2, xã Khe Mo, cùng 49 học viên khác trên địa bàn huyện Đồng Hỷ tham gia lớp tập huấn nâng cao nhận thức và ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào DTTS. Tại đây, chị và các học viên đã được cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh truyền đạt nhiều nội dung, như: kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; hướng dẫn sử dụng các sàn thương mại điện tử...
Chị Sim cho hay: Mặc dù đã biết qua về những ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy vi tính nhưng khi tham gia lớp tập huấn, tôi hiểu sâu hơn, cũng như được thực hành trực tiếp trên máy. Sau khi học xong, tôi đã tích cực truyền đạt lại những nội dung đó đến hội viên phụ nữ trong Chi hội cũng như người dân trong xóm.
Được truyền đạt nhiều kiến thức mới về công nghệ số, ông Đoàn Ngọc Yên, một trong những hộ dân sản xuất chè lớn trong xóm Khe Mo 2, phấn khởi: Trước đây, sản phẩm chè của gia đình tôi chủ yếu bán cho lái buôn hoặc đem ra chợ xã. Nhưng sau khi được cán bộ Chi hội Phụ nữ xóm hướng dẫn về kinh doanh online, tôi đã lập thêm kênh bán hàng là các trang mạng xã hội. Đồng thời, tôi cũng đang tìm hiểu thêm về các sàn thương mại điện tử Postmart, Voso để chuẩn bị mở gian hàng.
Theo anh Triệu Văn Trung, Phó Bí thư Chi bộ xóm Đồi Chinh, xã Đức Lương (Đại Từ): Thời gian qua, Chi bộ đã đẩy mạnh tuyên truyền đến đảng viên và người dân trong xóm cài đặt ứng dụng C-ThaiNguyen; Thái Nguyên ID. Nhưng như vậy là chưa đủ trong thời đại số như hiện nay. Vì vậy, sau khi tham gia lớp tập huấn do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức, tôi đã được hướng dẫn cặn kẽ từ cách tạo tài khoản, nộp hồ sơ và theo dõi kết quả xử lý về dịch vụ công trực tuyến. Tôi sẽ về hướng dẫn cho đồng bào DTTS trong xóm để thực hiện.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng DTTS, miền núi nói riêng đã được tỉnh đầu tư mạnh mẽ và phủ sóng ở hầu hết các khu vực. Tuy nhiên, do nhận thức của bà con ở một số vùng DTTS và miền núi còn hạn chế nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống vẫn còn khó khăn. Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về ứng dụng dụng công nghệ thông tin được đánh giá là hết sức cần thiết.
Ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Trong năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở 10 lớp tập huấn cho 500 học viên là bí thư, phó bí thư chi bộ; trưởng, phó xóm; trưởng, phó các đoàn thể xóm; người có uy tín và người dân vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Sau khi tập tuấn trở về địa phương, mỗi học viên sẽ “cầm tay, chỉ việc” cho người dân về việc tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống và sản xuất. Qua đó, giúp người dân ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao kiến thức cho đồng bào DTTS để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự; góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh...