Hệ lụy của sự chủ quan
Chia sẻ với chúng tôi về bệnh tình của người sinh thành ra mình, chị Mai Thị Thúy, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), xót xa nói: Cha tôi bị tai biến mạch mãu não, nằm liệt giường hơn 10 tháng rồi. Toàn bộ sinh hoạt cá nhân ông không thể thực hiện được, phải trông chờ vào con cháu. Trước khi bị đột quỵ, ông là người rất khỏe mạnh. Cũng vì thế, ông rất chủ quan, không đi khám bệnh bao giờ. Giờ người đàn ông phong độ, khỏe mạnh ở tuổi 69 ấy chỉ còn da bọc xương sau hơn 1 tháng điều trị đột quỵ tại Khoa Thần Kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên). Từ khi xuất viện đến nay, gia đình tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền mua thuốc điều trị, mời người có chuyên môn về tận nhà trị liệu mà sức khỏe của ông không cải thiện.
Nhìn người cha nằm bất động trên giường, đôi mắt chị Thúy ngân ngấn lệ. Thương người cha từng vất vả một nắng, hai sương, làm đủ mọi việc từ cấy lúa, hái chè đến cầy thuê, cuốc mướn để có tiền nuôi các con ăn học, trưởng thành, chị Thúy chỉ biết dồn hết tâm sức vào chăm sóc cho cha. Chị bảo: Nếu được ước, tôi chỉ mong cha mình khỏe lại.
Sức khỏe đúng là vốn quý giá của con người. Không có sức khỏe, chúng ta không thể làm được bất cứ việc gì. Vậy nhưng, có một thực tế đáng buồn là hiện nay, nhiều người dân Thái Nguyên, giống như cha của chị Thúy, còn chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân.
Bởi vậy, nhiều người không có ý thức đến các cơ sở y tế để được khám và phát hiện các loại bệnh kịp thời.Thậm chí, nhiều người còn không tiếc sức khỏe của mình khi tham gia các bữa tiệc rượu, bia thâu đêm, suốt sáng; hút nhiều thuốc lá; ăn uống thiếu lành mạnh dẫn đến sức khỏe giảm sút nhanh, có nhiều nguy cơ mắc các bệnh ung thư phổi, dạ dày, vòm họng… Đáng buồn là trong số này, có không ít những người vẫn đang ở độ tuổi từ 30-40 tuổi.
Bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), cho biết: Quá trình thăm khám cho người bệnh (bao gồm cả những người chưa đến 40 tuổi), tôi cảm thấy rất đáng tiếc khi nhiều bệnh nhân đã để qua thời gian vàng điều trị (tức là có thể điều trị dứt điểm bệnh lý). Bởi vậy, nhiều người đã phải trả giá bằng mạng sống của họ hoặc phải dùng thuốc suốt đời. Như vậy, đồng nghĩa với việc những người mắc bệnh mạn tính (tiểu đường, huyết áp…), tai biến mạch máu não… phải sống chung với bệnh tật và chất lượng cuộc sống vì thế bị giảm sút rất nhiều.
Nhiều người dân không đi khám định kỳ nên bỏ qua giai đoạn vàng trong điều trị ung thư. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ khối u và tiến hành xạ trị để kéo dài sự sống.
Trong ảnh: Sử dụng máy xạ trị gia tốc điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Hãy coi sức khỏe là “vàng”
Với những người trẻ, mỗi lần mắc các bệnh thông thường như cảm cúm, viêm họng cấp tính… họ sẽ hồi phục rất nhanh chóng. Tuy nhiên, khi tuổi càng cao, hệ miễn dịch càng kém thì việc chống chọi với bệnh tật ngày một khó khăn hơn. Đây chính là lý giải vì sao người trẻ, khỏe mạnh mắc COVID-19 thường chỉ như “gió thoảng, mây bay” đã khỏi bệnh. Còn những người già, có bệnh nền phải điều trị cả chục hôm, nhiều người trở nặng, phải thở máy hoặc tử vong.
Bởi vậy, việc quan tâm, chăm sóc để có sức khỏe và chất lượng cuộc sống tốt hơn là rất cần thiết. Muốn làm được việc này thì bản thân mỗi người đều phải tự nâng cao ý thức trong việc ăn, uống, nghỉ ngơi khoa học, đúng giờ.
Chị Phạm Thị Dương, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), cho hay: Tôi thường lựa chọn những thực phẩm (rau, củ, quả, thịt các loại…) “sạch”, được sản xuất theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) để làm nguyên liệu chế biến các bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt, các thành viên trong gia đình tôi thường chủ động đi khám định kỳ bằng việc thực hiện các xét nghiệm huyết học, siêu âm tổng quát… tại các cơ sở khám, chữa bệnh có uy tín để phát hiện và được tư vấn điều trị các loại bệnh kịp thời.
Phương pháp bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình như chị Dương là rất hiệu quả. Bởi trên thực tế, nhiều bệnh nan y thường diễn biến âm thầm, không có những biểu hiện rõ ràng của bệnh. Tương tự, một số bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường… cũng rất khó phát hiện sớm nếu không đến các cơ sở y tế thăm khám.
Do đó, bác sĩ Phan Thanh Nhung khuyến cáo: Mỗi người chúng ta hãy coi sức khỏe là “vàng”. Thứ quý giá này cần được chăm sóc, nâng niu không chỉ trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày mà còn phải thực hiện các buổi khám bệnh định kỳ.
Lời khuyên của bác sĩ Nhung rất có ý nghĩa bởi khám bệnh định kỳ, chúng ta có thể phải bỏ ra một khoản chi phí không hề nhỏ. Tuy nhiên, số tiền này sẽ chẳng đáng gì so với việc nhiều gia đình phải bỏ ra vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để điều trị cho người thân mắc các căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Khi ấy, tiền bỏ ra cũng không thể giúp người mắc bệnh hết đau đớn và kéo dài cuộc sống. Hoặc giả, số tiền bỏ ra có thể đưa người bệnh thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần” (với những người bị đột quỵ, tai biến mạch máu não) nhưng nhiều người phải lệ thuộc vào xe lăn, cần người chăm sóc suốt đời…
Vì lẽ đó, mỗi người hãy là những nhà thông thái, luôn lắng nghe cơ thể của chính mình, yêu thương, nâng niu bản thân, chăm sóc cho mình có một sức khỏe thật tốt.