Phương án đề xuất nâng mức lương cơ sở đáp ứng nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là sau những lần phải hoãn trước đó do khó khăn về kinh tế từ ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Với mức tăng 310 nghìn đồng/tháng (tương đương 20,8%), đây là lần điều chỉnh có biên độ lớn nhất trong gần 20 năm qua. Mức tăng lương này được tính toán tương đối sát với tình hình và phù hợp với năng lực của ngân sách.
Bên cạnh đó, việc đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng được đưa ra để áp dụng cho đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính từ thời điểm điều chỉnh lương cơ sở gần nhất (ngày 1-7-2019), cả nước có gần 40 nghìn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là tiền lương ở khu vực công quá thấp, chưa đáp ứng và tạo động lực để họ gắn bó với công việc.
Cùng với đó, lạm phát dù được kiềm chế nhưng vẫn tăng, khiến vật giá thị trường leo thang. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều khoản chi phí khác cũng tăng cao như học phí, viện phí. Cả hai khoản chi phí này đang trên lộ trình tính đủ, tính đúng thì bắt buộc tiền lương phải tăng theo.
Việc tăng lương cơ sở lần này cũng là tiền đề để tiến hành cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong đó, Nhà nước sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ. Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới...
Theo các chuyên gia, bản chất của việc thực hiện cải cách tiền lương là trả lương theo vị trí việc làm và khối lượng công việc. Đây là vấn đề mang tính tổng thể, phù hợp với thực tiễn nhưng đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn hơn và gắn liền với cải cách bộ máy, tinh giản biên chế. Khi chưa đảm bảo các điều kiện thì điều chỉnh tăng mức lương cơ sở hiện nay là điều cần thiết.