Tham gia lớp tập huấn, các nữ nhà báo cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong tác nghiệp mảng điều tra những vi phạm về động vật hoang dã; tìm hiểu một số đặc thù của hoạt động điều tra buôn bán động vật hoang dã; xác định được những đối tượng tiếp tay cho các đầu nậu buôn bán động vật hoang dã… Từ đó xây dựng được kỹ năng tìm kiếm đề tài, xác định vấn đề trong đề tài buôn bán động vật hoang dã; rèn luyện kỹ năng tiếp cận, thẩm định thông tin và điều tra, khai thác thông tin; cách thể hiện tác phẩm báo chí hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của người đọc đối với vấn đề động vật hoang dã; kỹ năng đào sâu và mở rộng vấn đề, thu thập tài liệu, chứng cứ để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, giải quyết những vi phạm trong thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; chuyển tải thông điệp hữu ích, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, yêu động vật, góp phần vào việc bảo vệ rừng, môi trường sinh thái và động vật hoang dã.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các nữ nhà báo đã tìm hiểu thực địa công tác bảo vệ động vật hoang dã và tài nguyên rừng tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định).
Việt Nam được coi là một trong những điểm nóng về săn bắt, buôn bán và trung chuyển động vật hoang dã trên thế giới. Số liệu từ nguồn báo chí do WCS thống kê, từ năm 2018 đến 9-2022 ghi nhận 630 vụ vi phạm với hơn 14,7 nghìn cá thể động vật hoang dã bị vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt… bất hợp pháp. Các vi phạm tập trung nhiều tại: Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh. Ở Việt Nam có 891 loài động vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng…