Sau nhiều lần hẹn, tôi mới được gặp và trò chuyện với Trung tá Ngô Thị Dương. Phần vì do đặc thù công việc nên ít khi chị có mặt tại cơ quan, phần vì không muốn nói về bản thân nên Trung tá Dương có ý từ chối.
Trong câu chuyện với tôi, chị nói như phân trần: Thú thực là mình không có thành tích gì đặc biệt. Mọi chiến công đều xuất phát từ cố gắng của cả tập thể, bản thân chỉ đóng góp một phần trong đó.
Trung tá Ngô Thị Dương gây ấn tượng với người đối diện bằng sự hoạt bát, tự tin; cách nói chuyện nhẹ nhàng nhưng sắc sảo. Có lẽ đó cũng là một trong những phẩm chất cần có của một nữ chiến sĩ trinh sát.
Chị trải lòng: Từ khi ra trường tới nay, phần lớn thời gian tôi làm trinh sát. Công việc này nhiều vất vả, với phụ nữ lại càng thiệt thòi hơi bởi không có giờ giấc cố định và phải lăn lộn với cơ sở. Nhiều khi nửa đêm, mưa gió hay dọn bữa cơm ra cả nhà chuẩn bị ăn mình cũng phải bỏ giở để lên đường vì có lệnh. Mỗi chuyên án kéo dài nhiều ngày, có khi vài tháng thậm chí cả năm. Thế nhưng, càng làm lâu tôi càng thấy gắn bó và yêu công việc hơn. Bây giờ nếu chọn lại thì chắc chắn tôi vẫn sẽ xung phong được làm trinh sát.
Ước mơ trở thành chiến sĩ công an từ nhỏ, nên học xong THPT, chị Ngô Thị Dương quyết định thi và đỗ vào Học viện Cảnh sát nhân dân (năm 1996). Ra trường và được điều động về công tác tại phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), chị tạo được lòng tin của nhân dân bằng sự năng nổ và trách nhiệm, luôn kịp thời có mặt ở địa bàn mình phụ trách để giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự.
-Mới ra trường, lại phụ trách địa bàn đông dân cư, bằng kiến thức nghiệp vụ được học, tôi lao vào công việc với tất cả lòng say mê, nhiệt huyết. Không chỉ đơn thuần nắm chắc tình hình địa bàn, hướng dẫn nhân dân khai báo tạm trú, tạm vắng, quản lý hộ tịch, hộ khẩu… mà còn tranh thủ tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhiều vấn đề an ninh trật tự bà con gọi điện báo trực tiếp từ sớm nên giải quyết được dứt điểm, không phát sinh thành điểm nóng. Sự tin yêu của nhân dân khiến tôi thấy mình yêu nghề và càng phải có trách nhiệm nhiều hơn - chị Dương kể.
Khi Công an tỉnh Thái Nguyên thành lập Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (năm 2008), chị Dương là một trong những người đầu tiên được lựa chọn điều động về, phụ trách công nghiệp, xây dựng và môi trường đô thị.
Chị bảo: Cảnh sát về môi trường ở thời điểm đó là một trong những lĩnh vực mới, trong khu vực công nghiệp, xây dựng lại càng phực tạp. Vi phạm chủ yếu là xả nước, khí thải trái phép; xả nhiều hơn hoặc khác loại chất thải được cơ quan chức năng cấp phép. Đối tượng thường lợi dụng ban đêm hoặc trời mưa gió để thực hiện hành vi. Do vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn nhắc nhở nhau phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật mới quy định về vấn đề này. Đồng thời thường xuyên nắm tính hình, kịp thời phát hiện những sai phạm và tham mưu xử lý nghiêm khắc.
Gần 15 năm làm trinh sát trong lĩnh vực môi trường, Trung tá Ngô Thị Dương và đồng đội đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Chị không nói về chiến công của bản thân mình, nhưng qua đồng nghiệp, tôi được nghe nhiều câu chuyện “như trong phim” mà chị và đồng đội đã thực hiện.
Ấy là chuyện vào năm 2018, nguồn tin báo về Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường là có một doanh nghiệp trên địa bàn Phổ Yên xả thải trực tiếp ra môi trường mà không đấu nối vào hệ thống xử lý chất thải chung. Lãnh đạo đơn vị cử một nhóm xuống xác minh.
Cái khó là doanh nghiệp này nằm phía trong bờ rào khu công nghiệp, người lạ rất khó để tiếp cận, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nên việc điều tra cũng phải làm sao cho thật khéo.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, nhiều lần nhập vai khi là nhân viên giao hàng, lúc dọn dẹp vệ sinh, có những hôm dầm mưa, thức trắng đêm để mật phục, chị và đồng đội đã bắt quả tang hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường của doanh nghiệp này. Trước những chứng cớ bằng hình ảnh đầy thuyết phục, đại diện đơn vị đã thừa nhận sai phạm. Cơ quan chức năng sau đó ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 300 triệu đồng và buộc doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục.
Mới đây nhất, Đội 1 của chị đã chủ trì phối hợp điều tra, khám phá một chuyên án lớn về việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã quý hiếm. Chuyên án này chị và đồng nghiệp mất gần 5 tháng để điều tra, mật phục bắt quả tang hành vi vi phạm của đối tượng.
Nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã xác lập chuyên án, Trung tá Ngô Thị Dương tham gia tổ trinh sát phá án gồm 3 người. Sau nhiều ngày tìm hiểu, tổ trinh sát phá án xác định đối tượng có hành vi thu mua, tàng trữ động vật quý hiếm mà chủ yếu là rắn hổ mang chúa là Bàn Phúc Minh, ở xóm Nác 3, xã Liên Minh (Võ Nhai).
Nhà Minh ở sâu trong rừng nên ít người qua lại, để tới nơi chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ. Nếu không khéo rất dễ bị đối tượng nghi ngờ. Sau khi bàn bạc, mấy chị em trong tổ thống nhất phương án giả đi bắn chim để thăm dò đường. Biết nhà Minh có bán mật ong, mọi người tìm cách bắt quen rồi vào tận nhà liên hệ làm ăn lâu dài.
Khi đã nắm rõ thói quen hoạt động, tổ báo cáo đề xuất phương án bắt quả tang đối tượng. Trung tá Ngô Thị Dương được phân công phụ trách nhóm bám sát đối tượng ở phía sau. Ngày 17-8-2022, khi Bàn Phúc Minh đang di chuyển bằng xe máy qua địa phận xóm Bãi Bông, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), thì bị lực lượng chức năng bắt giữ, tang vật là một con rắn hổ mang chúa nặng 0,9kg được cất giấu trong cốp xe. Minh khai, con rắn do mình bắt và được Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1979, nhà cùng ở xóm Nác 3 giới thiệu khách mua. Khám xét nhà Minh, lực lượng Công an phát hiện và tạm giữ thêm 22 cá thể đều là rắn hổ mang, tổng trọng lượng 22,5kg. Cả 2 đối tượng đều đã bị khởi tố và xử lý theo quy định…
“Đặc thù nghề trinh sát vất vả, chị làm thế nào để có thể hoàn thành nhiệm vụ và chu toàn công việc gia đình?” - tôi hỏi trung tá Dương khi câu chuyện nghề tạm lắng xuống.
Trung tá Dương cười hiền: Tôi may mắn vì có chồng cùng trong lực lượng Công an nên hiểu và chia sẻ, các con biết tự lập từ nhỏ.
Trong mạch trò chuyện về gia đình, tôi tò mò về cơ duyên nhận nuôi bé gái mô côi, chị Dương xúc động nhớ lại: Năm 2020, có một bé gái sơ sinh bị bỏ lại trước nhà bố mẹ đẻ tôi ở phường Tân Thành (TP. Thái Nguyên). Được tin tôi về thăm, nhìn cháu thấy thương lắm nên đã bàn với chồng làm thủ tục nhận nuôi. Lúc đầu cũng có băn khoăn, bởi công việc đặc thù, cháu lại phải nuôi bộ, nhưng tôi vẫn nhận nuôi vì muốn phần nào bù đắp thiệt thòi cho cháu.
Bé được chị Dương đặt tên là L.N.T., tên ở nhà thường gọi là T.N. Hơn 2 tuổi, dưới bàn tay yêu thương của gia đình anh chị, T.N. giờ đã cứng cáp. “Mỗi lần trở về nhà, thấy các con chơi đùa vui vẻ, hoà thuận là bao nhiêu mệt mỏi đều như tan biến hết. Gia đình chính là động lực để tôi thêm cố gắng trong công tác” - chị Dương nói.