Cập nhật: Thứ ba 25/10/2022 - 07:40
Lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đại Từ tuần tra, kiểm tra rừng Tam Đảo. Ảnh: T.L
Lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đại Từ tuần tra, kiểm tra rừng Tam Đảo. Ảnh: T.L

Hiện nay, thời tiết đã bước vào mùa hanh, lượng cành khô, lá rụng trong rừng dày. Đây cũng là thời điểm người dân tập trung phát dọn thảm thực vật, chuẩn bị đất cho vụ canh tác mới nên chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến những cánh rừng bị thiêu rụi. Chính vì vậy, để chủ động phòng ngừa và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Ngay từ đầu mùa khô năm 2022, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã có văn bản đề nghị các đơn vị trực thuộc chủ động tham mưu cho UBND huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR.

Đồng thời, Chi cục cũng thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng; chuẩn bị lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có cháy rừng xảy ra.

Nói về công tác PCCCR mùa khô, ông Nguyễn Thế Vy, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Khe Mo - Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ, cho hay: Chúng tôi đã sử dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh. Nhờ vậy, kiểm lâm viên có khả năng cập nhật, xác định chính xác khu vực rừng bị mất hoặc bị cháy để kiểm tra, xác minh và xử lý đám cháy ngay từ khi mới phát sinh.

Người dân xã Văn Hán (Đồng Hỷ) phát dọn thực bì để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng trong mùa khô hanh.

Đối với Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ, đơn vị đã cử cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, nhất là vùng rừng giáp ranh nhằm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý sớm nguy cơ cháy rừng. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện cũng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường thông tin cảnh báo cháy rừng đến các chủ rừng, người dân; nghiêm cấm người dân mang lửa và vật dụng tạo ra lửa vào khu vực rừng. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, chủ rừng có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Thái Nguyên hiện có trên 187.000ha rừng, trong đó các loại rừng trồng keo, quế, bạch đàn và rừng hỗn giao tre, nứa là những loại rừng dễ cháy, do những loại cây có đặc tính dễ bắt lửa, một số cây có tinh dầu làm tốc độ cháy lan nhanh, khó chữa cháy nếu cháy xảy ra trên diện rộng, nhất là vào thời điểm thời tiết hanh khô.

Vì vậy, vào mùa khô hằng năm, để hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đều chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường công tác tuyên truyền đến các chủ rừng về công tác PCCCR. Khi có cháy rừng xảy ra, các Hạt kiểm lâm phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương, kịp thời chữa cháy theo phương châm "4 tại chỗ", điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Chi cục cũng  thường xuyên kiểm tra công cụ, phương tiện, vận hành các thiết bị PCCCR đã được cấp phát và những công trình PCCCR trên địa bàn; tiến hành bảo dưỡng thiết bị theo đúng quy trình kỹ thuật; tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao; phân công lực lượng ứng trực PCCCR theo quy định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Cẩm Long, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, cho biết: Vào mùa khô, các đơn vị kiểm lâm đều bố trí lực lượng tại những điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ người ra - vào rừng và việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng để kiểm soát các nguồn lửa, nguồn nhiệt có thể gây cháy rừng. Chi cục cũng thường xuyên theo dõi tin tức cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để kịp thời gửi thông tin các điểm nghi cháy rừng cho các Hạt kiểm lâm nhằm kiểm tra, phát hiện và có phương án xử lý kịp thời.

Cùng với đó, Chi cục hướng dẫn chủ rừng phương án bảo vệ rừng thông qua việc tạo băng trắng bảo vệ các khu rừng; tiến hành kẻ vẽ, sửa chữa toàn bộ các biển báo, bảng tin tại các cửa rừng để người dân nâng cao ý thức PCCCR; hạn chế nguy cơ, xử lý kịp thời, hiệu quả, không để cháy rừng làm ảnh hưởng đến diện tích rừng hiện có.

Đến thời điểm này, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được bảo vệ ổn định, sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo tỷ lệ che phủ đạt trên 47%, cao hơn khoảng 5% so với mức bình quân chung của cả nước.   

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, tình hình thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và bất thường, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Chính vì vậy, cùng với sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, mỗi người dân cũng được khuyến cáo cần nâng cao ý thức trong việc thực hiện nghiêm các quy trình xử lý thực bì, nhất là trong thời điểm hanh khô kéo dài.

Lương Hạnh