Đội tuyển futsal Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Diego Giustozzi đã có những tiến bộ, thay đổi nhiều về lối chơi nếu so sánh với thời huấn luyện viên Phạm Minh Giang dẫn dắt.
Tuy nhiên, một điểm yếu vẫn còn tồn tại, khiến cho đội bóng chúng ta phải sớm dừng bước tại các giải đấu, đó là khả năng khắc chế những pivo (tiền đạo trong môn futsal) đẳng cấp.
Ở World Cup 2021, trong trận gặp Brazil, tuyển futsal Việt Nam nhận bốn bàn thua từ pivo Ferrao. Đến vòng chung kết Giải futsal châu Á 2022 vừa qua, các học trò của ông Giustozzi lại bị hạ gục bởi cú đúp của pivo Nhật Bản là Kazuya Shimizu ở vòng bảng và đến tứ kết thì Hussein Tayebi của Iran còn lập hẳn cú hat-trick vào lưới Hồ Văn Ý.
Trước những pivo khéo léo, giỏi xoay xở, thể lực tốt, các cầu thủ của Việt Nam vẫn còn lúng túng và gần như không có biện pháp ngăn chặn họ. Đương nhiên, Ferrao, Shimizu, Tayebi đều là những pivo đẳng cấp nhất của châu lục, trong khi các cầu thủ Việt Nam không có nhiều kinh nghiệm đối phó và khắc chế họ. Những hạn chế này đến từ việc các cầu thủ nước ta ít được đối đầu, cọ xát với họ khi Giải vô địch quốc gia futsal của Việt Nam cho đến giờ này vẫn chưa thể áp dụng việc tuyển dụng ngoại binh.
Huấn luyện viên câu lạc bộ futsal Thái Sơn Bắc Victor Acosta cho biết: “Cầu thủ Việt Nam có tố chất, tiềm năng, nhưng còn thiếu kinh nghiệm vì ít có cơ hội thi đấu với các đấu thủ đẳng cấp cao. Điều này xuất phát từ việc không có ngoại binh tham dự các giải đấu quốc nội. Tôi nhận thấy giải vô địch quốc gia của các bạn rất cần có thêm ngoại binh tham dự để tạo chất xúc tác, thúc đẩy các cầu thủ phấn đấu, tiến bộ”.
Không phải đâu xa, nếu nhìn vào sự tiến bộ của nền futsal Indonesia cùng khu vực chẳng hạn. Ở trận tứ kết giải châu Á với tuyển futsal Nhật Bản, họ chơi cực kỳ ấn tượng và suýt buộc đối thủ vào hiệp phụ. Đây cũng là đội bóng đã chiếm được vị trí thứ hai Đông Nam Á từ tay tuyển futsal Việt Nam.
Sự tiến bộ vượt bậc của Indonesia chính từ những thay đổi ở giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp khi thu hút được rất nhiều ngoại binh giỏi tham dự, trong đó có huyền thoại Ricardinho, người sáu lần giành danh hiệu Cầu thủ futsal hay nhất thế giới. Việc được thi đấu, tập luyện với những cầu thủ ngoại, có trình độ vượt trội giúp các cầu thủ Indonesia tiến bộ rất nhanh.
Các huấn luyện viên: Phạm Minh Giang, Trương Quốc Tuấn (tuyển nữ futsal Việt Nam) và Diego Giustozzi đều bày tỏ mong muốn giải vô địch quốc gia áp dụng cho ngoại binh.
Thế nhưng, đến thời điểm này có thể nói sẽ rất khó bởi Giải vô địch quốc gia futsal Việt Nam hiện vẫn chỉ ở mức độ nghiệp dư, cho dù chúng ta cũng có 12 đội tham dự, bằng Nhật Bản, Indonesia. Ở Việt Nam, chỉ có Thái Sơn Nam là câu lạc bộ đầu tiên sở hữu ngoại binh từ năm 2017. Tuy nhiên, họ chỉ được sử dụng ngoại binh khi đại diện cho Việt Nam dự Giải futsal câu lạc bộ châu Á, giải đấu futsal hàng đầu cấp câu lạc bộ.
Thái Sơn Nam đã rất thành công ở giải đấu này khi có đóng góp của các ngoại binh mà họ đưa về bằng số tiền khá lớn. Cũng từ sự đầu tư này mà Thái Sơn Nam giành được ngôi á quân của giải vào năm 2018 và hạng ba vào các năm 2015, 2017, 2019.
Rất nhiều các cầu thủ nổi tiếng từng khoác áo câu lạc bộ, có thể nêu tên như: cựu tiền đạo người Brazil, Lukaian Baptista, tiền đạo đội trưởng hiện tại của tuyển futsal Iran là Hussein Tayebi hay như tiền đạo số 11 của tuyển futsal Nhật Bản Kazuya Shimizu. Điều đó đã cho thấy sự đúng đắn của Thái Sơn Nam khi sử dụng ngoại binh.
Theo Trưởng ban futsal của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Trần Anh Tú, thường trực liên đoàn cũng nhận thức được những bất cập của giải vô địch quốc gia và đã họp, đề xuất sửa đổi điều lệ các giải futsal quốc gia từ năm 2023 với dự kiến lịch thi đấu sẽ được kéo dài hơn và có thể chấp nhận cho các câu lạc bộ đăng ký cầu thủ ngoại.
Hy vọng với những sửa đổi nêu trên, người hâm mộ sẽ được chứng kiến các ngoại binh chất lượng tham gia vào thành phần đăng ký giải đấu của các câu lạc bộ trong nước thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng các giải đấu và trình độ chuyên môn của các cầu thủ trong nước, qua đó thu hút khán giả đến sân nhiều hơn.