Công ty TNHH Một thành viên khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên được giao quản lý 200 công trình thuỷ lợi và gần 282km kênh mương. Trong những năm qua, Công ty đã quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi vẫn thường xuyên xảy ra, với mức độ phức tạp và quy mô khác nhau ở tất cả các địa phương.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 142 vụ vi phạm. Trong đó, khu vực lòng hồ và hành lang đập có 89 vụ và hệ thống kênh mương là 53 vụ. Các hành vi vi phạm phổ biến là: Lấn chiếm xây dựng trái phép công trình, tôn cao đường đi lại vận chuyển vật liệu, trồng cây lâu năm, xây dựng nhà cửa, lều quán, san ủi đổ đất đá xuống lòng hồ...
Ngay sau khi phát hiện các vụ việc vi phạm, Công ty TNHH Một thành viên khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên đã lập biên bản yêu cầu dừng thi công 142 vụ; gửi công văn đề nghị chính quyền địa phương xử lý 103 vụ (39 vụ vi phạm còn lại là các vụ có khối lượng nhỏ, phạm vi ảnh hưởng ít như: đổ đất, làm bãi tập kết vật liệu, lán tạm...); đã giải quyết dứt điểm và trả lại hiện trạng ban đầu 11 vụ.
Một số vụ việc chưa được xử lý dứt điểm như tại hồ Kim Đĩnh, xã Tân Kim (Phú Bình), vẫn còn tình trạng xây dựng công trình trái phép trong hành lang bảo vệ hồ. Cụ thể, Công ty CP Tư vấn và Chuyển giao công nghệ quốc tế ICT (Hà Nội) đã xây dựng các công trình cảnh quan, vườn hoa, nhà nghỉ, khu ăn uống trên hồ và diện tích đất lâm nghiệp. Ngoài ra, đơn vị này còn hoạt động kinh doanh du lịch, đón khách tham quan hồ bằng phương tiện thủy nội địa chưa đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện chưa đủ điều kiện hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Làm việc với chúng tôi về vụ việc này, ông Phạm Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tân Kim, thông tin: Về phía chính quyền địa phương, từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với đơn vị quản lý hồ Kim Đĩnh là Trạm khai thác thủy lợi Phổ Yên nhiều lần lập biên bản, yêu cầu Công ty CP Tư vấn và Chuyển giao công nghệ quốc tế ICT tháo dỡ công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ hồ để hoàn trả hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đến nay, các vi phạm vẫn chưa được xử lý triệt để.
Theo ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên: Các hành vi vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi đã gây khó khăn cho Công ty trong công tác điều tiết nước, quản lý, khai thác các công trình. Là đơn vị quản lý trực tiếp, nhưng Công ty lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Do vậy, trước tình trạng vi phạm các công trình thuỷ lợi ngày càng phức tạp, chúng tôi chỉ có thể giải quyết bằng cách thường xuyên cử cán bộ, nhân viên kiểm tra công trình, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đồng thời, lập biên bản, yêu cầu đối tượng vi phạm khắc phục, hoàn trả hiện trạng công trình và thông báo tình hình đến địa phương để phối hợp cùng giải quyết.
Để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang các công trình thuỷ lợi, thời gian tới, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND cấp xã giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm cũ và phối hợp xử lý có hiệu quả ngay từ đầu các vi phạm mới. Cùng với đó, các địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Luật Thủy lợi và các văn bản liên quan của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi.
"Tuy nhiên, do tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp, cần sự vào cuộc, phối hợp tốt hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết những tồn đọng, để bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi" - ông Nguyễn Hồng Thái cho biết.