Ông Phạm Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tân Kim, cho biết: Là xã miền núi, tỷ lệ người dân sản xuất nông nghiệp ở Tân Kim chiếm tới 99%. Trước đây, bà con trồng trọt, chăn nuôi mang tính manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra không có thương hiệu. Do đó, đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn.
Không cam chịu cảnh nghèo khó, với gần 700ha đất dành cho sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, xã Tân Kim đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… từng bước phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; đưa những giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm xây dựng sản phẩm thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện Phú Bình tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con theo hướng “cầm tay chỉ việc”…
Ông Nguyễn Văn Lân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) hoa quả an toàn Thành Đạt, ở xóm La Đao, chia sẻ: Khoảng 5 năm trở về trước, các hộ dân trong xóm chỉ trồng một số loại cây như vải, nhãn… cho hiệu quả kinh tế thấp. Sau đó, nhận thấy chất đất của địa phương thích hợp trồng các loại cây ăn quả giống mới như bưởi Diễn, bưởi Da xanh, ổi…, tôi đã vận động 14 hộ dân có diện tích đất vườn nhiều cùng liên kết để thành lập HTX hoa quả với diện tích gần 12ha. Nhờ đó, các thành viên có thêm điều kiện để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc trồng và chăm sóc các loại cây; sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ dễ dàng hơn, ngày càng được khách hàng biết đến và tìm mua.
Không chỉ HTX hoa quả an toàn Thành Đạt, trên địa bàn xã Tân Kim còn có các HTX mới được thành lập trong vài năm gần đây, như: HTX nông nghiệp Vạn Xuân, ở xóm Mỏn Thượng (sản xuất rau an toàn); HTX thủy sản Vạn Thắng, ở xóm La Đao và HTX dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh, ở xóm Đồng Tân (chăn nuôi các loại cá nước ngọt với diện tích mặt nước 15ha).
Trong lĩnh vực chăn nuôi, xã Tân Kim đẩy mạnh tuyên truyền người dân chuyển dần từ mô hình nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi gà, lợn theo hướng trang trại tập trung. Đến nay, toàn xã có khoảng 300 hộ dân chăn nuôi gà, quy mô từ 1.000-5.000 con/lứa; trên 30 hộ chăn nuôi lợn, quy mô từ 30-50 con.
Song song với phát triển kinh tế, Tân Kim cũng tập trung huy động người dân đóng góp sức người, sức của để xây dựng hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.. Nếu như năm 2018 trở về trước, tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường giao thông trục chính của xã, xóm chỉ đạt 40%, thì nay, 100% tuyến đường (gồm 15km đường trục chính của xã và trên 16km đường trục xóm, liên xóm) đã được đổ bê tông, đảm bảo người dân đi lại thuận tiện.
Chỉ tính riêng trong 2 năm (2021-2022), xã Tân Kim đã nâng cấp, sửa chữa được 3 tuyến đường trục chính của xã, 18 tuyến đường trục xóm, ngõ xóm với tổng chiều dài gần 13km. Trong đó có 370 hộ dân hiến đất, với diện tích gần 32.000m2.
Nhờ biết khai thác thế mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết của người dân, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Kim đã đạt 45 triệu đồng/người/năm (tăng 6 triệu đồng/người/năm so với năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 2,5%/năm, xã hiện còn 129 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,96%…